Những điều cần biết trước khi chụp đo loãng xương, theo chia sẻ từ các chuyên gia

By Nhi Nguyễn

Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ bị loãng xương, có lẽ bạn đã quen với việc đi kiểm tra mật độ xương định kỳ. Phương pháp chụp X-quang hấp thụ năng lượng kép (DEXA hoặc DXA) là kỹ thuật được dùng để đánh giá mật độ xương, theo bác sĩ Jian Q. “Michael” Yu – Trưởng khoa Y học hạt nhân và PET tại Trung tâm Ung thư Fox Chase (Pennsylvania, Mỹ).

Nếu bạn sắp đến trung tâm chẩn đoán hình ảnh để thực hiện chụp DEXA lần đầu tiên, dưới đây là những điều các chuyên gia muốn bạn nắm rõ.

Ảnh: Internet

Chụp đo mật độ xương là gì?

Theo bác sĩ Yoram Baum – chuyên gia y học hạt nhân và giảng viên trường Y Đại học Emory – chụp DEXA là tiêu chuẩn vàng trong việc đánh giá mật độ khoáng chất trong xương (Bone Mineral Density – BMD).

Nhiều bác sĩ có thể đề nghị bạn làm xét nghiệm này, bao gồm bác sĩ đa khoa, bác sĩ nội tiết hoặc bác sĩ chuyên khoa ung thư – nhằm xác định nguy cơ loãng xương hoặc mất xương.

Chụp đo mật độ xương có vai trò quan trọng trong việc phát hiện tình trạng thiếu xương (osteopenia) và loãng xương(osteoporosis) – hai tình trạng khiến xương yếu đi rõ rệt. Loãng xương khiến xương trở nên rất giòn, dễ gãy, và thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi xảy ra gãy xương nghiêm trọng. Vì thế, bệnh còn được gọi là “căn bệnh thầm lặng”.

Hiện có hơn 10 triệu người trên 50 tuổi mắc bệnh loãng xương, trong đó phụ nữ sau mãn kinh là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.

Chụp đo mật độ xương được thực hiện như thế nào?

Bác sĩ Baum cho biết đây là một xét nghiệm nhanh chóng, không đau, không xâm lấn, thường chỉ mất khoảng 10 phút.

Khi nằm lên bàn máy, thiết bị chụp X-quang sẽ quét qua vùng hông và cột sống thắt lưng – những khu vực dễ bị gãy do loãng xương.

Trong trường hợp bệnh nhân đã thay khớp háng (toàn phần hoặc một phần), bác sĩ có thể chọn quét vùng xương cẳng tay để đánh giá thay thế.

Một số người có thể lo ngại về việc tiếp xúc với tia X, nhưng theo bác sĩ Yu và Baum, mức phóng xạ rất thấp, tương đương với một lần chụp X-quang răng thông thường nên hoàn toàn an toàn.

Ảnh: Internet

Cần chuẩn bị gì trước khi chụp đo mật độ xương?

Để kết quả chính xác nhất, bác sĩ Baum khuyên bạn nên:

  • Ngưng uống thuốc bổ sung canxi ít nhất 24 giờ trước khi chụp.
  • Mặc quần áo thoải mái, rộng rãi, tránh mặc đồ có khóa kéo, cúc kim loại hay dây nịt.
  • Tháo toàn bộ trang sức (theo hướng dẫn của WebMD).

Quan tâm đến sức khỏe xương càng sớm càng tốt

Điều quan trọng là bạn nên thường xuyên trao đổi với bác sĩ về sức khỏe xương, đặc biệt nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao. Việc kiểm tra định kỳ sẽ giúp bạn bắt đầu phòng ngừa hoặc điều trị loãng xương/thiếu xương sớm, theo bác sĩ Baum.

Để duy trì xương chắc khỏe, bạn nên:

  • Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài tập có mang trọng lượng như nâng tạ
  • Ăn uống đầy đủ canxi và vitamin D, từ các thực phẩm như sữa, cá, rau xanh, lòng đỏ trứng…

Nếu bạn đã được chẩn đoán thiếu xương hoặc loãng xương, thay đổi lối sống là rất quan trọng. Tuy nhiên, lý tưởng nhất là bắt đầu chăm sóc xương từ sớm để giảm nguy cơ mất xương về sau.

“Giữ mật độ xương luôn dễ hơn là lấy lại”, bác sĩ Baum nhấn mạnh.

Trong những trường hợp loãng xương nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc đặc trị để bổ sung vào kế hoạch điều trị.