Hơn 30 năm sau, chúng tôi gặp nhau ở Tổng đàn ISKKF (International Shorin-ryu Karate Kobudo Federation – Liên đoàn Shorin-ryu Karate Kobudo Quốc tế) có thành viên, chi nhánh ở nhiều nước, Nguyễn Hằng Minh và tôi (tác giả bài viết) được ISKKF công nhận là “Lifetime member” (thành viên trọn đời). Riêng tôi được ISKKF xác nhận là đại diện duy nhất của ISKKF ở Việt Nam.
Đại võ sư Nguyễn Hằng Minh, sáng lập đồng thời là chủ tịch liên đoàn/tổng đàn Karate IKSSKF
TẠI SAO CỨ PHẢI ĐỂ NGƯỜI NHẬT, NGƯỜI MỸ CẤP BẰNG?
Không phải “24 năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa” mà là 37 năm. Năm ấy 1987, anh Nguyễn Hằng Minh, huấn luyện viên trưởng Karate hệ Goju ở Câu lạc bộ Hải quân trên đường Tôn Đức Thắng; còn tôi vừa nhận quyền Chưởng môn đời thứ 4 Karate hệ Shorin – ryu Việt Nam được hơn nửa năm – chưởng môn trẻ nhất thành phố lúc ấy, 25 tuổi.
Cả hai đều vừa qua tuổi đôi mươi vài ba năm và cùng thi tam đẳng huyền đai (đai đen 3 đẳng) bên Hội Karate-do TP. Hồ Chí Minh. Trước đó vài tháng, tôi đã là ủy viên ban chấp hành gồm ba người của Hội Karate-do.
Còn trẻ, mái đầu còn xanh, chúng tôi thi đủ các nội dung: quyền (kata), đòn (ippon), đấu (kumite) 2 trận, công phá 5 viên gạch thẻ, hít đất 30 cái và chạy 3.000m. Minh và tôi trẻ nhất, thi đứng hàng đầu, cạnh nhau. Không được miễn môn nào như với các huấn luyện viên lớn tuổi. Võ phục rách, vá, ướt đầm mồ hôi trong các buổi tập, trên gương mặt hốc hác của những tháng ngày thiếu đói năm xưa. Nhưng đó là những ngày chúng tôi sống trọn vẹn niềm vui tuổi trẻ của mình.
Đó cũng là những ngày thế hệ tuổi trẻ của chúng tôi bôn ba, giữa dòng thời cuộc. Minh tập luyện Karate Thái Lan. Tôi vẫn tiếp tục tháng ngày của mình: Vừa làm báo Mực Tím vừa tập – huấn luyện võ ở sân Karate của Nhà văn hóa Thanh niên, sân Karate lớn nhất thành phố lúc đó; mở thêm chi nhánh bên Trường Đội thành phố, sân Phan Đình Phùng; hỗ trợ sư thúc Ngô Quang Thành buổi ra mắt bộ môn Karate ở Câu lạc bộ Hồ Xuân Hương – quận 3, huấn luyện võ thuật cho cả Công an quận 1 và anh em bảo vệ Công ty bột giặt Viso ở ngay trụ sở Công an quận 1 và Nhà máy Viso ở Thủ Đức.
Người đi, những ngày đầu tiên thập phần gian khổ bên xứ người. Kẻ ở lại cũng vô vàn khó khăn. Nhưng chúng tôi có hăng say của tuổi trẻ.
Ban lãnh đạo Liên đoàn Iksskf
Nhưng 37 năm sau, chúng tôi mới ngồi bên nhau như ngày nào. Lúc này, cả hai đều là Grandmaster (đại võ sư). Minh cửu đẳng huyền đai, tôi bát đẳng huyền đai Karate ISKKF. Người ký thay chủ tịch/tổng đàn chủ ISKKF George Alexander là Supreme grandmaster (đại sư tối cao) Ngô Quang Thành, người Việt Nam đầu tiên thập đẳng huyền đai Karate. Anh Thành là sư đệ của chưởng môn đời thứ 3 hệ phái Karate Shorin – ryu Việt Nam Huỳnh Văn Hiệp (đã mất), tức sư thúc của chúng tôi.
Trước đó, ngày 30-5-2024, ISKKF đã công nhận tôi là shodai soke 初代宗家 (sơ đại tôn gia – chưởng môn kế thừa), grandmaster của Shorin-ryu Karate-do & Kobudo Okinawa – hệ phái Matsumura Seito tại Việt Nam; và cũng là đại diện ISKKF tại Việt Nam.
Minh hiện là thành viên của California Secretary of State (Văn phòng Đổng lý Trung ương bang California, Mỹ) và là grandmaster Karate ISKKF. Về Việt Nam chuyến này, Minh đi nhiều nơi, từ Hà Nội, Sapa, Đà Lạt… đến miền Tây, gặp nhiều sân võ, môn phái. Nhưng Minh bảo tôi: “Minh chỉ mong được gặp anh, ôm anh một cái sau 37 năm chia xa”.
Đêm mưa Sài Gòn tháng Sáu. Đại sư Nguyễn Hằng Minh đã gặp 10 đai đen Shorin Việt Nam chúng tôi ở một võ đường Aikido Cống Quỳnh trên đại lộ Võ Văn Kiệt. Huấn luyện viên trưởng sân này võ sư Nguyễn Thành Trung – ngũ đẳng Aikido, cháu ruột sư thúc Ngô Quang Thành. Trưởng bộ môn Aikido Cống Quỳnh và quận 10 là thầy Lê Minh Chánh, lục đẳng Aikido.
Buổi gặp có cả võ sư thất đẳng Karate Shorin-ryu thuộc ISKKF Trần Ngọc Hiệp, trưởng một võ đường Karate ở quận 2 (thành phố Thủ Đức). Anh Hiệp vốn là đệ tử ruột của đại võ sư tối cao Ngô Quang Thành khi ở Việt Nam. Đặc biệt có võ sư Thuan Su (Sử Thuần), ngũ đẳng huyền đai Karate, tứ đẳng Taekwondo, hiện là huấn luyện viên Lực lượng biệt kích Mỹ và là võ sư huấn luyện ở Trung tâm Korea Taekwondo Academy tại Arizona (Mỹ).
Anh Minh và Thuần như anh em một nhà, từng chung trại tị nạn Thái Lan và cùng tập luyện ở một sân Karate Thái Lan. Trước khi ở nước ngoài, Thuần từng ở Bảy Hiền và gởi trái tim mình cho một cô gái An Lạc – Ông Tạ.
Anh em chúng tôi giao lưu, chia sẻ một chút kỹ thuật võ của môn phái, tổng đàn mình trên tinh thần kính trọng môn phái, tổng đàn bạn. Điều thú vị là có những đòn thế của Karate Shorin-ryu Việt Nam và Aikibudo giống nhau đến 90%. Cũng không lạ, cùng là các môn võ từ Nhật.
Chúng tôi gặp nhau, ôm nhau không chỉ một lần mà nhiều lần suốt từ võ đường Aikido đến quán cà phê trên đường Trường Sa. Nấn ná không rời đến tận 12 giờ đêm. Minh nói vợ con về Lanmark 81 trước để Minh tiếp tục nỗi lòng mình với anh em xưa, tình nghĩa cũ.
Cuối năm 2022, thầy Minh chia sẻ với tôi: “Người Việt mình giỏi võ, tại sao cứ phải để người Nhật, người Mỹ cấp bằng?”.
Mới đây, khi IKSSKF cấp thành viên cho hoàng thân một nước Ả Rập, vị này đã mời Minh, Thuần và hai võ sư IKSSKF sang dự buổi giao lưu do ông tổ chức. Không tính chi phí này nọ bên đó, riêng chi phí đi lại, khách sạn cho bốn người là 64.000 USD.
Nhưng đại sư Minh và võ sư Thuần đành phải kiếu từ. Để về quê nhà đất Việt Nam, để về với Tp. Hồ Chí Minh của Minh của Thuần, để mời gọi Karate Shorin-ryu Việt Nam chúng tôi tham gia IKSSKF, để sống lại tình xưa nghĩa cũ.
Tối 27/06, nói vợ con ngồi xe hơi, Minh leo lên xe máy cùi của tôi để tôi chở ra tiệm cà phê trong mưa đêm Sài Gòn, ngồi uống cà phê với các thầy võ bạn và anh em đai đen Shorin-ryu Việt Nam.
Nỗi lòng như xả, tâm tình như trút không ngớt, run lên trong một đêm ấm lòng Karate – Aikido. Chúng tôi nói với nhau: “Tụi mình không để mất nhau lần nữa nha”. Như 37 năm xưa, hai đứa chúng tôi gầy gò, hốc hác bên ly trà đá vỉa hè sân Phú Thọ.
Tác giả: Cù Mai Công