Chiều ngày 21/11/2024, trong khuôn khổ Diễn đàn chuyển đổi số Hải Phòng 2024, thành phố Hải Phòng đã chính thức ra mắt dự án Chính quyền số. Đây là một trong những bước tiến quan trọng, đặt nền móng cho việc phát triển kinh tế số và xã hội số tại địa phương, đồng thời chào mừng Ngày chuyển đổi số Quốc gia.
Dự án hướng đến việc thực hiện hóa các mục tiêu quan trọng, bao gồm: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, định danh và xác thực điện tử thống nhất cho người dân và doanh nghiệp trên toàn bộ hệ thống từ trung ương đến địa phương, 100% cơ quan nhà nước cấp thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở để phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Tính đến năm 2024, Hải Phòng đã đạt được những kết quả ấn tượng như tỷ lệ xử lý hồ sơ hành chính đúng hạn đạt trên 90%, tích hợp 1.579/1.937 dịch vụ công trực tuyến lên cổng dịch vụ công quốc gia đạt tỷ lệ 81,5%, kho dữ liệu dùng chung đã xây dựng 192 bộ dữ liệu, 1.941 trường thông tin và 437.621 bản ghi và cổng dữ liệu mở đã có 50/98 bộ dữ liệu mở do 7 sở/ngành cung cấp.
Credit: Lê Tân
Hải Phòng cũng tiên phong trong kết nối liên thông các loại giấy tờ y tế như giấy khám sức khỏe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua Cổng giám định bảo hiểm y tế (BHYT). Đồng thời, thành phố đã triển khai các mô hình công nghệ tiên tiến như khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, kios tự phục vụ, và ứng dụng thẻ căn cước công dân (CCCD), VNeID trong y tế.
Theo ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, dự án không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ công. Chính quyền số được kỳ vọng sẽ gia tăng sự hài lòng của người dân, đồng thời xây dựng một chính quyền minh bạch, liêm chính và hành động hiệu quả.
Trong y tế, toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh đã ứng dụng công nghệ số, kết nối dữ liệu và sử dụng sinh trắc học.
Trong giáo dục, áp dụng ký số sổ điểm và học bạ điện tử ở các cấp học.
Trong du lịch, số hóa thông tin tại 25 điểm du lịch và mã hóa QR cho 290 điểm di tích.
Trong doanh nghiệp, Hải Phòng hiện có gần 1.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động, gần 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số. Trên 80% doanh nghiệp triển khai hợp đồng điện tử, 99% doanh nghiệp nộp thuế điện tử.
Hải Phòng là một trong những địa phương dẫn đầu trong việc thúc đẩy công nghệ 5G, phục vụ các lĩnh vực sản xuất, logistics và cảng biển, tạo điều kiện cho sự bứt phá trong phát triển kinh tế địa phương.
Việc ra mắt dự án Chính quyền số đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của Hải Phòng trên hành trình chuyển đổi số. Đây không chỉ là động lực cho phát triển kinh tế – xã hội mà còn là cam kết xây dựng một chính quyền hiện đại, phục vụ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Hải Phòng kỳ vọng sẽ tiếp tục là hình mẫu tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số của cả nước.