Bộ đồ nhung đỏ, viền lông trắng, đôi bốt đen cao cổ, đội chiếc mũ len là trang phục đặc trưng của ông già Noel khiến ông trở thành một hình mẫu dễ dàng hoá thân – hàng chục nghìn người khoác lên mình bộ trang phục này trong sự kiện SantaCon ở New York mỗi năm. Tuy nhiên, đa số nhiều người không biết nguồn gốc bộ trang phục ông già Noel thật sự bắt nguồn từ đâu và như thế nào.
Ảnh: GLG Media
Vốn dĩ nguồn gốc bộ trang phục của ông già Noel rất mơ hồ và mất gần một thế kỷ để định hình rõ ràng. Trang phục của ông già Noel có “101 phiên bản khác nhau” có thể nhắc đến những bộ quần áo giản dị của Santa Claus (Tim Allen thủ vai) trong bộ phim The Santa Clause, đến những chiếc váy hai dây màu đỏ táo bạo trong bộ phim Mean Girls. Dù vậy, bộ đồ nhung đỏ, viền lông trắng, đôi bốt đen cao cổ, đội chiếc mũ len vẫn là hình ảnh đặc trưng nhất của ông già Noel đã ăn sâu vào văn hóa đại chúng từ rất lâu.
Trong trung tâm thương mại trên khắp Hoa Kỳ quy định về trang phục đảm bảo sự đồng nhất giữa các ông già Noel, với những chi tiết dường như không thể thay đổi, mặc dù thực tế là ông – không có thật.
Một ông già Noel mặc bộ đồ xanh lá tại cửa hàng Bloomingdale’s trong sự kiện hợp tác với chương trình Wicked đã gây chú ý trên các trang báo, tạo ra một tranh cãi lớn trong mùa lễ hội. Một bà mẹ nói với tờ New York Post về sự kiện này: “Không phải mọi thứ đều cần phải thay đổi hay thử thách… Ông già Noel màu xanh thật quá ngớ ngẩn. Không thể chấp nhận!”.
Ảnh: GLG Media
Nhưng ông già Noel không phải lúc nào cũng mặc đồ đỏ, và trên thực tế, trang phục, diện mạo và chiều cao của ông đã mất gần một thế kỷ để trở thành nhân vật biểu tượng mà chúng ta nhận ra ngày nay.
Tiền thân của ông già Noel bao gồm giám mục Cơ đốc giáo thời kỳ đầu Thánh Nicholas hay phiên bản Hà Lan của ông là Sinterklaas. Còn có người cha già mặc áo choàng trùm đầu của Pháp, đến Christkindl, Chúa Hài Đồng mang quà trong truyền thống Đức, cùng nhiều hình mẫu khác. Tuy vậy, ông già Noel kiểu Mỹ bắt đầu hình thành vào những năm 1820 và tiếp tục phát triển qua thơ ca, tranh minh họa và quảng cáo.
Những đặc điểm chính của ông – một người đàn ông râu trắng, mặc áo lông, được kéo đi bởi những chú tuần lộc trên chiếc xe trượt tuyết — đã trở thành kinh điển nhờ bài thơ Twas the Night Before Christmas (còn được biết đến với tên A Visit from St. Nicholas) của Clement Clarke Moore vào năm 1823, cũng như một bài thơ ẩn danh năm 1821 gọi ông là Santeclaus. Tuy nhiên, trang phục ông mặc vẫn còn là chủ đề sôi nổi và trở nên “đau đầu” của thế kỷ XIX.
“Thế kỷ 19 là thời kỳ mà các tranh cãi về diện mạo và trang phục của ông già Noel diễn ra rất sôi nổi”, nhà sử học Gerry Bowler, tác giả cuốn sách Santa Claus: A Biography, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Phải mất khoảng 80 năm để các nghệ sĩ Mỹ mới có thể thống nhất về trang phục của ông. Trước đó, ông có thể mặc bất kỳ màu sắc nào, với nhiều kiểu áo choàng và biến thể khác nhau”.
Một số diễn giải ban đầu về hình ảnh ông già Noel trong bài thơ của Moore mô tả là một người bán hàng nhỏ nhắn, tinh quái, dễ dàng chui qua ống khói. Hay một phiên bản minh họa năm 1864 vẽ ông trong bộ đồ vàng và mũ lông, hoặc bức tranh sơn dầu năm 1837 cho thấy ông mặc áo choàng đỏ viền lông.
Có một số hình ảnh được phá cách, ví dụ như: quảng cáo của P.T. Barnum năm 1850 cho thấy ông là một nhân vật thời kỳ chiến tranh cách mạng không có râu. Trong khi đó, bìa sách The Life and Adventures of Santa Claus của L. Frank Baum năm 1902 vẽ ông mặc áo dài đen viền lông thú và đôi bốt đỏ nổi bật.
Ảnh: Thomas Nast
Họa sĩ biếm họa Thomas Nast của tạp chí Harper’s Weekly, người đã mang đến biểu tượng con lừa cho đảng Dân chủ và con voi cho đảng Cộng hòa, đóng vai trò quan trọng trong việc hình dung ông già Noel. Vào năm 1863, trong cuộc Nội chiến. Ông lần đầu vẽ ông già Noel với bộ trang phục in hình sao và sọc khi ông phát quà cho binh lính Liên minh.
Hình ảnh đáng nhớ nhất của ông là bức vẽ năm 1881, trong đó ông mặc bộ đồ đỏ có thắt lưng, gần như không thể phân biệt với phiên bản ngày nay. Hình ảnh này được tiếp nối bởi các nghệ sĩ Norman Rockwell và J.C. Leyendecker, những người thường xuyên vẽ ông già Noel trên trang bìa của The Saturday Evening Post vào đầu thế kỷ XX.
Tuy nhiên, những bức tranh mang tính hình tượng này lại bị lu mờ bởi chiến dịch quảng cáo dài hạn của Coca-Cola, được minh họa bởi Haddon Sundblom, bắt đầu từ năm 1931. Phiên bản ông già Noel má đỏ, đầy đặn của Sundblom, dựa trên hình ảnh của một nhân viên bán hàng đã nghỉ hưu – người bạn của họa sĩ – trở nên vô cùng nổi tiếng và tồn tại đến ngày nay.
Ảnh: Coca-Cola
“Tôi nghĩ hầu hết mọi người tin rằng Coca-Cola có liên quan đến việc định hình trang phục đỏ-trắng của ông già Noel… bạn có thể thấy điều đó khắp nơi trên internet”, Bowler nói. “Nhưng điều đó không đúng. Trang phục mang tính biểu tượng của ông đã được xác định từ nhiều thập kỷ trước“.
Thực tế, Coca-Cola thậm chí không phải là nhãn hàng nước giải khát đầu tiên sử dụng hình ảnh ông già Noel trong bộ đồ này. White Rock Beverages đã làm điều đó trong Thế chiến I, vài năm trước khi Coca-Cola cho ra mắt chiến dịch quảng cáo.
Trong cuốn sách năm 1988 của mình, The Battle for Christmas, Nissenbaum theo dõi lịch sử nhân vật này và đối đầu với ý kiến phổ biến của dư luận, rằng ông già Noel bắt nguồn từ hình tượng Thánh Nicholas của Hà Lan.
Thay vào đó, Nissenbaum chỉ ra một nhóm “quý ông New York yêu thích cổ vật”, trong đó có Moore, John Pintard (người sáng lập Hội Lịch sử New York), và nhà văn Washington Irving, đã cố tình tái định hình hình ảnh ông già Noel trong những năm 1820 thành biểu tượng của một ngày lễ thân thiện với gia đình hơn. Những người định hình hình ảnh đầu tiên của ông già Noel có thể không chọn bộ đồ đỏ cho ông, nhưng họ đã cố ý biến ông thành một nhân vật gợi lên cảm giác hoài niệm.
Hình ảnh ông già Noel ngày nay là kết quả của nhiều thế kỷ tranh luận, sáng tạo, và kết hợp các ảnh hưởng từ khắp nơi trên thế giới. Từ chiếc áo lông đỏ đến chiếc mũ đặc trưng, ông già Noel đã trở thành biểu tượng truyền thống không thể thay thế trong văn hóa Giáng sinh hiện đại.