Công nghệ robot đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra những thay đổi lớn trên thị trường lao động Trung Quốc, nơi gần 300 triệu công nhân buộc phải thích nghi hoặc đối mặt nguy cơ bị loại bỏ.
Tại các nhà máy như Zongwei ở Tô Châu, công nghệ tự động hóa đang được thử nghiệm và triển khai nhằm thay thế lao động con người bằng robot. Trung Quốc hiện có khoảng 6 triệu nhà máy hoạt động, và tất cả đều đang cố gắng duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh chi phí lao động tăng cao do lực lượng lao động suy giảm.
Theo Financial Times, chính quyền Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng robot để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động do dân số già hóa. Với sự đầu tư lớn, Trung Quốc đã trở thành thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới. Năm 2022, nước này lắp đặt hơn 276.000 robot, chiếm hơn một nửa tổng số robot toàn cầu. Không chỉ nhập khẩu, Trung Quốc giờ đây tự chủ sản xuất robot với giá thành cạnh tranh.
Mặc dù công nghệ robot phát triển nhanh chóng, các nhà máy tại Trung Quốc đối mặt với vấn đề lớn về nguồn nhân lực. Robot ngày càng phức tạp, yêu cầu kỹ năng chuyên môn để vận hành và bảo trì, nhưng lực lượng lao động hiện tại chủ yếu có trình độ học vấn thấp. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ 52% lao động di cư từ nông thôn có trình độ trung học cơ sở, và 14% chỉ đạt tiểu học.
Những lao động có trình độ thấp dễ bị thay thế bởi robot. Khu vực ứng dụng robot nhiều thường ghi nhận sự sụt giảm số lượng lao động di cư, buộc họ phải tìm kiếm công việc khác, chủ yếu trong ngành dịch vụ như giao hàng hoặc lái xe công nghệ, vốn trả lương thấp hơn.
Credit: X/Geely Group
Lực lượng lao động đối diện hai lựa chọn: nghỉ hưu sớm hoặc tham gia đào tạo kỹ thuật. Các công ty như ABB Robotics China đang thúc đẩy quá trình tự động hóa nhờ đội ngũ kỹ sư trình độ cao từ các trường đại học và dạy nghề. Tuy nhiên, các trường học lại gặp khó khăn trong việc cung cấp thiết bị và chương trình đào tạo phù hợp với công nghệ mới.
Một số doanh nghiệp robot, như Tusk Robots hay Zongwei, tổ chức khóa đào tạo cho khách hàng để giúp họ làm quen nhanh với công nghệ. Các công ty lớn hơn như ABB Robotics China thậm chí thành lập viện đào tạo chuyên ngành, cung cấp chứng nhận chính thức cho người lao động.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng gấp đôi mật độ robot sản xuất vào năm 2025 so với năm 2020, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội chất lượng cao. Dù đã đạt mật độ robot 322 trên 10.000 công nhân, Trung Quốc vẫn xếp sau các nước như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Đức.
Cuộc cách mạng robot mang lại tiềm năng lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho lao động Trung Quốc. Với áp lực từ cả phía công nghệ lẫn thị trường, họ đang đứng trước ngã ba đường: hoặc nâng cao trình độ để thích nghi với thế giới mới, hoặc rời khỏi thị trường lao động đang thay đổi từng ngày.