Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hôm thứ Năm cho biết sẽ phê duyệt việc trao đổi đất cần thiết để hai tập đoàn Rio Tinto và BHP xây dựng một trong những mỏ đồng lớn nhất thế giới, bất chấp lo ngại từ người bản địa Mỹ rằng điều này sẽ phá hủy một địa điểm linh thiêng của họ.
Động thái này có khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa các nhóm người bản địa, vốn kêu gọi bảo vệ các vùng đất lịch sử, với các chính phủ phương Tây đang muốn tăng sản lượng khoáng sản quan trọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ảnh: Molly Riley/AP
Dự án mỏ đồng Resolution và tranh cãi về đất linh thiêng
Cơ quan Lâm nghiệp Hoa Kỳ (thuộc Bộ Nông nghiệp) cho biết sẽ công bố lại trong vòng 60 ngày báo cáo môi trường cần thiết để tiến hành cuộc trao đổi đất cho dự án mỏ Resolution Copper.
Trước đó, Quốc hội và Tổng thống Barack Obama đã phê duyệt dự án vào năm 2014 bằng cách lén đưa điều khoản này vào một dự luật quốc phòng bắt buộc phải thông qua, với điều kiện rằng phải có báo cáo môi trường được công bố.
Mỏ này – từng được Trump phê duyệt trong nhiệm kỳ đầu nhưng bị Tổng thống Joe Biden đảo ngược – sẽ cung cấp hơn 25% nhu cầu đồng của nước Mỹ, và là một phần quan trọng trong kế hoạch thúc đẩy khai khoáng trong nước của ông Trump.
Đồng là kim loại thiết yếu trong xây dựng, giao thông, điện tử và nhiều ngành khác. Hiện Mỹ phải nhập khẩu khoảng một nửa lượng đồng cần dùng mỗi năm.
Tuy nhiên, việc xây dựng mỏ sẽ tạo ra một miệng hố lớn có thể nuốt trọn khu vực Oak Flat, nơi bộ tộc San Carlos Apache tại bang Arizona dùng để hành lễ và thờ cúng. Điều này đã dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ từ 21/22 bộ tộc bản địa tại bang, cũng như Quốc hội Quốc gia của người da đỏ Mỹ (NCAI).
Người bản địa kiện ra Tòa án Tối cao
Tổ chức Apache Stronghold – gồm các thành viên của bộ tộc San Carlos Apache và các nhà bảo tồn – đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao Mỹ vào tháng 9 năm ngoái, yêu cầu chặn việc trao đổi đất. Tuy nhiên, Tòa án vẫn chưa quyết định có thụ lý vụ kiện hay không.
Cơ quan Lâm nghiệp cho biết, nếu Tòa án Tối cao đồng ý xét xử vụ kiện, họ “có thể xem xét lại cách tiến hành việc trao đổi đất”.
“Chính phủ Mỹ đang vội vàng lấy đi vùng đất linh thiêng của chúng tôi trước khi tòa án kịp ra phán quyết – cũng như họ đã làm trong hàng thế hệ qua để xóa sổ người bản địa”, ông Wendsler Nosie, một lãnh đạo của Apache Stronghold, nói.
Nhóm này và các luật sư tại Quỹ Becket vì Tự do Tôn giáo lập luận rằng chính phủ sẽ vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ về tự do tôn giáo nếu cho phép triển khai mỏ này. “Nếu Tòa án không hành động ngay, Oak Flat có thể bị chuyển giao và phá hủy trước khi công lý được thực thi”, luật sư Luke Goodrich từ Becket cho biết.
Ảnh: Resolution Copper
Rio Tinto và BHP tiếp tục dự án, chính quyền địa phương ủng hộ
Phía Rio Tinto cho biết đây là “một bước tiến tích cực” và họ sẽ tiếp tục thực hiện dự án, dù hai công ty (Rio Tinto và BHP) đã chi hơn 2 tỷ USD nhưng chưa khai thác được bất kỳ lượng đồng nào. “Mỏ Resolution Copper rất quan trọng để đảm bảo tương lai năng lượng và nhu cầu hạ tầng của nước Mỹ với nguồn cung đồng trong nước”, người phát ngôn của Rio nói.
BHP, sở hữu 45% dự án (so với 55% của Rio), cho biết: “Chúng tôi cam kết tiếp tục đối thoại cởi mở với cộng đồng địa phương và các bộ tộc người bản địa để phát triển dự án một cách có trách nhiệm”.
Quyết định của Cơ quan Lâm nghiệp cũng được thị trưởng thị trấn Superior, bà Mila Besich (thuộc đảng Dân chủ), hoan nghênh. Superior là thị trấn gần nhất với dự án mỏ. “Đây là một cột mốc trong quá trình rất dài. Đây là một điều tốt cho thị trấn của chúng tôi”, bà Besich nói.
Rio Tinto cho biết, nếu dự án được phê duyệt, toàn bộ lượng đồng khai thác sẽ được giữ lại tại Mỹ. Công ty này cũng kiểm soát một trong hai nhà máy luyện đồng duy nhất của Mỹ.