Theo chỉ đạo từ Cục Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc, các bảo tàng giờ đây cần tích cực tham gia vào việc “củng cố nhận thức về cộng đồng dân tộc Trung Hoa”, thông qua các triển lãm, trưng bày và hoạt động giáo dục hướng đến khẳng định lòng yêu nước, bản sắc văn hóa thống nhất, và nhấn mạnh vai trò của đảng trong quá trình lịch sử.
Các bảo tàng được khuyến khích tổ chức những chương trình “kể chuyện đúng về lịch sử Trung Quốc”, đồng thời phản bác những quan điểm bị cho là xuyên tạc lịch sử hoặc kích động ly khai. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với các tranh cãi lịch sử về Tân Cương, Tây Tạng, và Đài Loan.
Giới quan sát nhận định rằng, chính sách mới này nằm trong tổng thể chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình về “xây dựng bản sắc dân tộc thống nhất”. Trong những năm gần đây, ông Tập nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát tư tưởng, định hình ký ức tập thể và “định hướng nhận thức công chúng” thông qua giáo dục, truyền thông và các thiết chế văn hóa – bao gồm cả bảo tàng.
Chính phủ cho rằng, nếu để “các thế lực bên ngoài” hoặc “những tư tưởng sai lệch” bóp méo lịch sử, thì điều đó có thể gây chia rẽ dân tộc và làm suy yếu sự ổn định quốc gia. Vì vậy, các bảo tàng – vốn có uy tín trong việc truyền tải lịch sử – nay được trao thêm sứ mệnh mang tính tư tưởng rõ rệt hơn.
Ảnh: South China Morning Post
Chính sách mới lập tức làm dấy lên tranh luận trong giới nghiên cứu lịch sử và văn hóa. Một số học giả trong nước ủng hộ bước đi này, cho rằng bảo tàng nên “phục vụ cho lợi ích quốc gia và sự đoàn kết dân tộc”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ giảm tính khách quan, học thuật trong việc trưng bày và diễn giải lịch sử, biến các bảo tàng trở thành công cụ tuyên truyền đơn chiều.
Ở nước ngoài, động thái này được xem như một phần trong xu hướng “quốc hữu hóa ký ức lịch sử” mà Trung Quốc đang đẩy mạnh, đi cùng với kiểm soát chặt chẽ hơn các lĩnh vực xuất bản, giáo dục và nghệ thuật.
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng và các vấn đề dân tộc, lãnh thổ ngày càng nhạy cảm, Trung Quốc đang đặt ra vai trò mới cho các thiết chế văn hóa như bảo tàng – không chỉ là nơi lưu giữ quá khứ, mà còn là mặt trận của hiện tại, nơi truyền tải những giá trị mà chính phủ muốn nhân dân ghi nhớ.