Các hiệu trưởng đại học Mỹ cùng lên tiếng phản đối chính sách giáo dục đại học của Tổng thống Trump

By Nhi Nguyễn

Ảnh: Samantha Hendrickson/ AP Photo

Hơn 200 hiệu trưởng các trường đại học và cao đẳng tại Mỹ đã cùng ký một tuyên bố chung, cáo buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump can thiệp chính trị vào giáo dục đại học – hành động đoàn kết này được đưa ra sau khi Đại học Harvard tuyên bố rằng chính phủ đang đe dọa đến sự độc lập của trường.

Tuyên bố chung này có chữ ký của lãnh đạo các trường danh tiếng như Princeton, Brown, Harvard, Columbia, Đại học Hawaii và Cao đẳng cộng đồng bang Connecticut. Các hiệu trưởng lên án điều mà họ gọi là “sự can thiệp chưa từng có tiền lệ và sự kiểm soát chính trị đang đe dọa nền giáo dục đại học Mỹ”.

“Tất nhiên, chúng tôi sẵn sàng đón nhận những cải cách mang tính xây dựng và không phản đối sự giám sát hợp lý của chính phủ”, tuyên bố viết. “Tuy nhiên, chúng tôi phải phản đối sự can thiệp quá mức của chính phủ vào đời sống học tập, sinh hoạt và làm việc của sinh viên, giảng viên và nhân viên tại các trường”.

Khi được hỏi về đơn kiện của Đại học Harvard đệ trình một ngày trước đó – cáo buộc chính quyền Trump vi phạm Hiến pháp bằng cách gây áp lực tài chính buộc trường phải thay đổi – người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt trả lời rằng chính phủ sẽ phản hồi tại tòa.
“Chuyện này rất đơn giản: nếu bạn muốn nhận tiền từ liên bang, bạn phải tuân theo luật liên bang”, cô nói.

Phía Harvard và nhiều trường khác khẳng định họ tuân thủ luật pháp, và cho rằng chính phủ đang vi phạm quy trình pháp lý trong việc cắt hoặc hoãn tài trợ.

Tuyên bố chung hôm thứ Ba là động thái mới nhất cho thấy sự phản đối mạnh mẽ từ giới lãnh đạo giáo dục Mỹ đối với các chính sách của ông Trump. Chính quyền ông Trump đang tìm cách tận dụng việc phân bổ ngân sách nghiên cứu y tế và khoa học để tái cấu trúc môi trường học thuật Mỹ – mà ông cho rằng đang bị chi phối bởi tư tưởng bài Do Thái, chống Mỹ, theo chủ nghĩa Marx và “cánh tả cực đoan”.

Ảnh: Erin Clark/The Boston Globe/Getty Images

Đóng băng tài trợ

Vào ngày 14/4, Harvard từ chối một loạt yêu cầu từ chính quyền Trump – những yêu cầu này bao gồm việc giám sát sinh viên, giảng viên và chương trình học – được cho là nhằm kiềm chế cái mà chính phủ cho là khuynh hướng thiên tả của trường.

Ngay sau đó, chính quyền thông báo sẽ đóng băng khoản tài trợ 2,3 tỷ USD cho Harvard, phần lớn là các khoản hỗ trợ nghiên cứu từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ.

Nhà Trắng cho biết ông Trump muốn đảm bảo rằng tiền thuế của người dân không bị sử dụng để hỗ trợ phân biệt chủng tộc hoặc bạo lực mang động cơ chủng tộc. Ông Trump đã gọi phong trào sinh viên ủng hộ Palestine – nổ ra sau cuộc tấn công chết người vào tháng 10/2023 của nhóm Hamas và chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza – là hành động chống Mỹ và bài Do Thái.

Chính quyền còn đe dọa tước quyền miễn thuế của Harvard và cấm trường tuyển sinh viên quốc tế.

Vào thứ Hai, Harvard đã đệ đơn kiện chính phủ lên tòa án liên bang ở Boston, cáo buộc hành động hoãn hoặc hủy tài trợ là hành vi “ép buộc và kiểm soát” trường, vi phạm quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo vệ.

Chính quyền ông Trump cho rằng việc các trường như Harvard hay Columbia xử lý biểu tình ủng hộ Palestine đã vi phạm Điều VI của Đạo luật Dân quyền (Civil Rights Act), vốn yêu cầu mọi tổ chức nhận tài trợ liên bang không được phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc hay nguồn gốc quốc gia.

Ngược lại, Harvard cũng viện dẫn chính điều khoản này trong đơn kiện, cho rằng chính phủ đã không tuân thủ các bước bắt buộc – chẳng hạn như yêu cầu hợp tác tự nguyện, mở cuộc điều tra kỹ lưỡng, tổ chức các phiên điều trần và thông báo trước 30 ngày cho Quốc hội – tất cả những bước này đều chưa diễn ra.

Trường Columbia thì đã đồng ý đàm phán sau khi bị chính quyền Trump thông báo cắt hơn 400 triệu USD tài trợ và hợp đồng, chủ yếu liên quan đến nghiên cứu y tế và khoa học. Kết quả của các cuộc đàm phán này hiện vẫn chưa được công bố.

Chính quyền Trump cũng từng đe dọa rút tiền tài trợ đối với các trường đại học có chương trình hỗ trợ người chuyển giới hoặc thúc đẩy các chính sách đa dạng, bình đẳng và hòa nhập. Bên cạnh đó, chính phủ đã bắt giữ và tìm cách trục xuất một số sinh viên quốc tế ủng hộ Palestine.

Nhiều trường đại học, trong đó có Đại học Duke ở bang Bắc Carolina, đã cảnh báo sinh viên quốc tế nên tránh ra nước ngoài vì có thể gặp khó khăn khi quay lại Mỹ.

Hiện tại, Mỹ có hơn 1,1 triệu sinh viên quốc tế – chiếm khoảng 6% tổng số sinh viên đại học tại nước này, theo Viện Giáo dục Quốc tế.