Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng khí hậu và nhu cầu cắt giảm lượng khí nhà kính ngày càng cấp bách, một startup có tên Repair Carbon đang mang đến một hướng tiếp cận độc đáo: thiết kế các thiết bị thu giữ CO₂ dựa trên nguyên lý hoạt động của pin.
Repair Carbon, có trụ sở tại Mỹ, đã phát triển các máy loại bỏ carbon hoạt động như một dạng “pin đảo ngược”, thay vì lưu trữ năng lượng như pin truyền thống, thiết bị của họ hấp thụ và lưu trữ CO₂ từ không khí.
Cụ thể, máy bao gồm hai điện cực giống như trong pin lithium-ion, nhưng được thiết kế để phản ứng hóa học với khí CO₂. Khi dòng điện chạy qua, khí CO₂ trong không khí sẽ bị “kéo” vào và gắn chặt vào một trong các điện cực. Đến một ngưỡng nhất định, thiết bị có thể “xả” CO₂ ra và lưu trữ nó một cách an toàn để xử lý hoặc chôn lấp. Một trong những lợi thế lớn nhất của giải pháp này là giá thành rẻ và dễ mở rộng quy mô.
Credit: TechCrunch
Khác với các công nghệ thu giữ carbon hiện nay, vốn đòi hỏi thiết bị cồng kềnh, tốn năng lượng và chi phí cao, thiết bị của Repair Carbon có thể được sản xuất bằng các vật liệu phổ biến trong ngành pin. Điều này giúp công ty tận dụng hạ tầng sẵn có của chuỗi cung ứng pin toàn cầu.
Startup cho biết, họ đã có mẫu thử nghiệm đầu tiên và đang tiến hành mở rộng quy mô sản xuất trong năm 2025. Mục tiêu cuối cùng là triển khai hàng triệu thiết bị mini ở nhiều nơi trên thế giới, hoạt động như “những cỗ máy lọc khí CO₂ mini”.
Repair Carbon không chỉ muốn bán máy móc, mà còn xây dựng nền tảng hạ tầng carbon, nơi mà các doanh nghiệp hoặc tổ chức có thể triển khai hàng loạt thiết bị này để đo lường, báo cáo và xác minh lượng carbon được loại bỏ. Công ty kỳ vọng mô hình này sẽ tạo ra một thị trường tín chỉ carbon minh bạch hơn, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Giữa bối cảnh nhiều công ty lớn đổ tiền vào giải pháp công nghệ cao để hút CO₂ từ những ống khói khổng lồ đến hệ thống hóa học phức tạp. Repair Carbon đang cho thấy một cách tiếp cận mới: đơn giản hơn, hiệu quả hơn và có khả năng triển khai nhanh chóng ở quy mô lớn. Nếu thành công, đây có thể là một trong những mắt xích quan trọng giúp nhân loại đạt được mục tiêu net-zero vào giữa thế kỷ 21. Theo TechCrunch.