Intel đưa ra dự báo yếu giữa căng thẳng thương mại, CEO mới nói chuyện với TSMC

By Nhi Nguyễn

Intel vừa đưa ra dự báo doanh thu và lợi nhuận quý hai thấp hơn kỳ vọng của Phố Wall vào thứ Năm, khiến đợt công bố kết quả đầu tiên dưới thời CEO mới Lip-Bu Tan trở nên kém lạc quan, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đang gia tăng.

Trong cuộc họp với nhà đầu tư, ông Tan đã hé lộ một số kế hoạch cải tổ lớn nhằm làm mới lại văn hoá đổi mới của Intel, bao gồm yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng làm việc 4 ngày mỗi tuần, giảm bớt các cuộc họp và loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết để tập trung vào công việc kỹ thuật cốt lõi.

Những phát biểu này đã giúp cổ phiếu Intel giảm bớt mức sụt giảm trong phiên giao dịch sau giờ, nhưng vẫn còn giảm 5%.

Ảnh: AFP

Triển vọng ảm đạm của Intel có thể sẽ tiếp tục làm các nhà đầu tư thất vọng – những người đang kỳ vọng ông Tan có thể xoay chuyển tình hình sau nhiều năm Intel mắc sai lầm, khiến công ty tụt lại trong cuộc đua thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh mẽ.

Giám đốc tài chính (CFO) David Zinsner cho biết, lo ngại về thuế quan đã khiến khách hàng mua tích trữ chip của Intel, điều này giúp tăng doanh thu quý đầu tiên. Tuy nhiên, công ty không thể xác định mức độ lợi ích từ việc này, và dự đoán quý hai sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực vì nhu cầu sụt giảm.

“Chính sách thương mại thay đổi liên tục ở Mỹ và trên thế giới, cùng với các rủi ro pháp lý, đã làm tăng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế”, ông Zinsner nói trong cuộc họp với các nhà phân tích. “Điều này khiến việc dự báo hiệu quả kinh doanh trong quý và cả năm trở nên khó khăn hơn”.

Bất chấp lo ngại về thuế quan, ông Tan cho biết đã gặp gỡ CEO C.C. Wei và cựu CEO Morris Chang của đối thủ TSMC (Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan) để tìm cơ hội hợp tác và “tạo ra tình huống đôi bên cùng có lợi”.

Sự kiện Ngày Công nghệ tại Mỹ thường niên của TSMC được tổ chức hôm thứ Tư ở Santa Clara, California, và có sự tham dự của cả ông Tan và ông Wei.

Trong nỗ lực tinh gọn hoạt động và cắt giảm chi phí, Intel cũng cho biết đang hạ mục tiêu chi phí vận hành điều chỉnh xuống khoảng 17 tỷ USD vào năm 2025, so với mục tiêu trước đó là 17,5 tỷ USD, và nhắm đến 16 tỷ USD vào năm 2026.

Ông Tan nói rằng Intel đang xem xét lại toàn bộ hệ thống nhà máy của mình. Vào tháng 2, công ty đã thông báo lùi dự án xây nhà máy trị giá 28 tỷ USD ở Ohio đến tận năm 2030.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hệ thống nhà máy hiện tại để đảm bảo đang sử dụng tối ưu năng lực sản xuất có sẵn trước khi quyết định chi tiêu thêm”, ông Tan phát biểu hôm thứ Năm.

Ông Zinsner cho biết công ty đã nhận được 1,1 tỷ USD tiền hỗ trợ từ chính phủ Mỹ theo Đạo luật CHIPS, nhưng vẫn giữ nguyên mức chi đầu tư cho năm 2025 trong khoảng 8 đến 11 tỷ USD do chưa rõ thời điểm chính phủ Mỹ sẽ thực hiện các cam kết tài trợ này.

Việc tái cấu trúc có thể ảnh hưởng đến số lượng nhân viên, nhưng ông Zinsner nói rằng chi tiết cụ thể sẽ được làm rõ khi Intel công bố kết quả quý hai.

Trong một bản ghi nhớ gửi nhân viên trước buổi họp báo cáo tài chính đầu tiên, ông Tan viết rằng Intel sẽ bắt đầu cắt giảm nhân sự từ quý hai, chủ yếu nhằm giảm bớt bộ máy hành chính cồng kềnh. Ông cũng dự định cắt giảm số lượng và quy mô các cuộc họp nội bộ.

“Không thể tránh khỏi việc những thay đổi quan trọng này sẽ làm giảm số lượng nhân viên”, ông Tan viết. “Như tôi đã nói khi mới nhận chức, chúng ta phải đưa ra những quyết định khó khăn để xây dựng lại nền tảng vững chắc cho tương lai”.

Bắt đầu từ ngày 1 tháng 9, Intel sẽ yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng làm việc 4 ngày mỗi tuần, theo bản ghi nhớ của ông Tan.

Công ty cũng hạ mục tiêu chi đầu tư tài sản cố định xuống còn 18 tỷ USD vào năm 2025, thấp hơn so với mức 20 tỷ USD đã đề ra trước đó.

Công ty có trụ sở tại Santa Clara, California dự kiến doanh thu quý hai sẽ đạt từ 11,2 đến 12,4 tỷ USD, thấp hơn mức dự báo trung bình của giới phân tích là 12,82 tỷ USD, theo dữ liệu từ LSEG.

Hiện tại, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa áp thuế lên chip, nhưng Trung Quốc lại đang áp thuế rất cao đối với chip sản xuất tại Mỹ, khiến triển vọng doanh thu của Intel tại thị trường Trung Quốc – vốn là thị trường lớn nhất của công ty – trở nên u ám.

Các chip sản xuất tại Mỹ có thể phải chịu thuế lên tới 85% trở lên, theo thông báo mới đây của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc.

Trung Quốc nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD chip từ Mỹ mỗi năm, trong đó có 8 tỷ USD là CPU do Intel sản xuất tại Mỹ, theo các nhà phân tích của Bernstein.

Doanh thu quý một của Intel giữ nguyên ở mức 12,67 tỷ USD, vượt kỳ vọng (12,30 tỷ USD).

Công ty dự kiến lợi nhuận điều chỉnh trên mỗi cổ phiếu trong quý hai sẽ chỉ đạt mức hoà vốn, trong khi giới phân tích kỳ vọng 6 cent/cổ phiếu.