Công viên quốc gia bộ lạc mới tại Bắc Dakota nhằm bảo tồn cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ

By Nhi Nguyễn

Một công viên quốc gia bộ lạc mới vừa được thành lập tại vùng đất gồ ghề Badlands của bang Bắc Dakota, mở ra cơ hội cho du khách yêu thiên nhiên khám phá một khu vực cảnh quan ngoạn mục ít người biết đến. Đây là một phần trong nỗ lực của bộ tộc bản địa nhằm bảo vệ vùng đất tổ tiên và khuyến khích các hoạt động giải trí ngoài trời.

Ảnh: Fawn Fettig

Bộ tộc Mandan, Hidatsa và Arikara (gọi chung là MHA Nation) đã thành lập Công viên Quốc gia Bộ lạc Ba Bộ Tộc sau khi mua lại 2.100 mẫu Anh (tương đương 850 hecta) đất từ một trang trại cũ, nằm sát biên giới phía nam của Khu bảo tồn Fort Berthold, bên bờ sông Little Missouri.

Theo bà Mary Fredericks, giám đốc Chương trình Công viên và Khu bảo tồn của bộ tộc, khu đất này vốn là một phần trong vùng đất được ghi trong hiệp ước ban đầu với tổ tiên họ, nhưng sau đó bị cắt giảm do chính sách phân chia đất đai của chính phủ Mỹ. Nay, ranh giới khu bảo tồn đã được mở rộng để bao gồm cả công viên này.

Chủ tịch bộ tộc, ông Mark Fox, cho biết công viên được thành lập với mục đích văn hóa và giải trí, như chèo xuồng, ngắm động vật hoang dã, và du lịch sinh thái.

“Đây là vùng đất có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi, là một phần lịch sử của bộ tộc”, ông Fox chia sẻ. “Việc mua lại vùng đất này và phát triển nó là một bước đi quan trọng – vừa bảo tồn văn hóa, vừa góp phần thúc đẩy du lịch và kinh tế”.

Các cán bộ công viên đang thận trọng trong việc quy hoạch và xây dựng, nhằm hạn chế tối đa tác động đến môi trường tự nhiên. “Chúng tôi muốn khi rời đi, nơi này còn tốt hơn lúc chúng tôi nhận lại nó”, ông Ethan White Calfe, giám đốc công viên, nói. “Đó là mục tiêu lâu dài mà chúng tôi hướng đến”.

Vùng Badlands của Bắc Dakota là địa hình khắc nghiệt, nhiều màu sắc, với các hình thù địa chất độc đáo, hóa thạch cổ và gỗ hóa thạch – thu hút những người yêu thích đi bộ, cắm trại, săn bắn, đạp xe và khám phá thiên nhiên.

Công viên này đã mở cửa thử nghiệm từ tháng 9 năm ngoái và hiện chỉ đón khách đi bộ, với giấy phép miễn phí đăng ký qua mạng. Du khách cần khai báo kế hoạch hành trình và gửi xe ở bãi cỏ bên ngoài. Dự kiến đến cuối mùa hè, sẽ có khoảng 16 km đường mòn được hoàn thiện, theo bà Fredericks.

Công viên cũng đang có kế hoạch xây dựng trung tâm đón khách và khu cắm trại. Ngoài ra, đội ngũ bảo tồn sẽ thực hiện dự án khôi phục thảm thực vật tự nhiên, loại bỏ cây xâm lấn để giúp môi trường quay về trạng thái cân bằng như cách đây hàng trăm năm.

Ảnh: Fawn Fettig

“Chúng tôi tự hỏi: làm sao để nơi này trông giống như 300 năm trước? Làm sao để giúp đất đai hồi phục và ổn định trở lại?” – ông White Calfe nói.

Mặc dù nơi này rất đẹp và yên bình, nhưng có địa hình dốc và khó đi, bà Fredericks cảnh báo. Một tuyến đường cao tốc bang đi ngang qua công viên từ địa hình bằng phẳng xuống thung lũng sông gồ ghề, cho phép người lái xe ngắm được một phần công viên, nhưng không thể thấy bên trong.

Về lâu dài, công viên này có thể trở thành cửa ngõ để du khách tìm hiểu về khu bảo tồn và văn hóa bộ tộc. Gần đó còn có hồ Sakakawea – địa điểm giải trí phổ biến – và các điểm du lịch thiên nhiên nổi tiếng như Công viên quốc gia Theodore Roosevelt và đường mòn Maah Daah Hey.

Nguồn thu từ ngành dầu mỏ trên khu bảo tồn đã giúp bộ tộc có điều kiện tài chính để mua lại vùng đất cho công viên. Nhưng bà Fredericks nhấn mạnh:

“Đi đôi với việc khai thác, chúng tôi cũng phải cẩn trọng trong việc bảo tồn. Tôi rất tự hào về hội đồng bộ tộc đã có tầm nhìn xa khi mua vùng đất này với mục tiêu lập công viên quốc gia… vì không ai biết 50 năm nữa cảnh quan sẽ thay đổi thế nào, nhưng chúng tôi có thể giữ được phần này”.

Công viên mới này nằm gần Công viên bang Little Missouri, nơi nổi tiếng với 64 km đường mòn cưỡi ngựa băng qua vùng Badlands hoang dã.

“Cảnh quan ở đây mang đến cảm giác rất yên bình, gần như là tâm linh”, ông Cody Schulz – giám đốc Sở Công viên và Giải trí bang – chia sẻ. Ông cho biết đã cùng bộ tộc hợp tác hơn hai năm qua để kết nối hệ thống đường mòn và hỗ trợ phát triển công viên.

Ông White Calfe kết luận: “Đây là cơ hội để chúng tôi kể câu chuyện của chính mình, từ góc nhìn của mình – trong chính vùng đất này. Điều đó vô cùng quý giá”.