Ảnh: Wojtek Radwanski/AFP/Getty Images
Tám mươi năm sau thảm họa Holocaust, vẫn còn hơn 200.000 người Do Thái sống sót trên khắp thế giới. Tuy nhiên, 70% trong số họ sẽ qua đời trong vòng 10 năm tới, đồng nghĩa với việc thời gian còn lại để lắng nghe những nhân chứng cuối cùng đang dần cạn kiệt.
Theo một báo cáo mới được công bố hôm thứ Ba, tuổi trung bình của những người sống sót là 87, trong đó hơn 1.400 người đã trên 100 tuổi.
“Chúng ta luôn biết rằng thế hệ này sẽ là những người cuối cùng – cơ hội cuối cùng để nghe trực tiếp họ kể về những gì đã trải qua, để trò chuyện với họ, để gặp một nhân chứng sống của lịch sử”, ông Greg Schneider – Phó chủ tịch điều hành tổ chức Claims Conference (Hội nghị về Bồi thường Vật chất cho Người Do Thái), đơn vị công bố báo cáo – chia sẻ.
Báo cáo có tiêu đề “Những Nhân Chứng Đang Biến Mất” sử dụng dữ liệu dân số và tỷ lệ tử vong dựa trên số liệu thống kê của Claims Conference – tổ chức đã hỗ trợ các nạn nhân Holocaust từ năm 1952 thông qua các khoản trợ cấp và dịch vụ xã hội được đàm phán với chính phủ Đức.
90% người sống sót sẽ qua đời trong vòng 15 năm tới
Cụ thể, gần 50% số người sống sót sẽ qua đời trong 6 năm tới, 70% trong vòng 10 năm, và 90% trong 15 năm tới, theo phân tích trong báo cáo.
Hầu hết những người còn sống hiện nay đều cao tuổi và sức khỏe yếu, nhiều người phải chịu đựng những hậu quả kéo dài của các sang chấn tâm lý thời trẻ.
Trong thảm họa Holocaust, khoảng 6 triệu người Do Thái châu Âu đã bị Đức Quốc xã và các cộng sự sát hại. Hiện không rõ chính xác có bao nhiêu người sống sót qua các trại tử thần, các khu ổ chuột hoặc sống ẩn náu trong thời gian chiếm đóng, nhưng chắc chắn con số này rất nhỏ so với dân số người Do Thái trước chiến tranh.
Ví dụ, ở Ba Lan, trong số 3,3 triệu người Do Thái vào năm 1939, chỉ còn khoảng 300.000 người sống sót.Tại Đức, năm 1933 có khoảng 560.000 người Do Thái, nhưng sau Holocaust, chỉ còn khoảng 15.000 người, phần lớn là nhờ di cư hoặc may mắn sống sót.
Sau chiến tranh, những người sống sót đã di cư và sinh sống khắp nơi trên thế giới, và đến nay, họ vẫn đang sống ở khoảng 90 quốc gia khác nhau.
Ảnh: Markus Schreiber/AP Photo
Tỷ lệ tử vong khác nhau giữa các khu vực
Báo cáo “Những Nhân Chứng Đang Biến Mất” cũng cho thấy tỷ lệ tử vong khác nhau tùy theo từng khu vực, phụ thuộc vào điều kiện chăm sóc y tế và mức sống.
“Báo cáo này là lời nhắc nhở rõ ràng rằng chúng ta sắp hết thời gian. Các nhân chứng của chúng ta đang rời khỏi thế giới này, và đây là lúc để lắng nghe tiếng nói của họ”, ông Gideon Taylor, Chủ tịch Claims Conference, nói.
Những người sống sót lo lắng về việc ai sẽ gìn giữ ký ức lịch sử
Ông Albrecht Weinberg, một nhân chứng sống 100 tuổi tại Đức, đã mất gần như toàn bộ gia đình trong thảm họa Holocaust, chia sẻ rằng những ký ức kinh hoàng vẫn ám ảnh ông đến tận hôm nay: “Tôi ngủ cùng với ký ức đó, tỉnh dậy với nó, đổ mồ hôi, gặp ác mộng – đó là hiện thực cuộc sống của tôi”.
Ông từng sống sót qua các trại tử thần khét tiếng như Auschwitz, Mittelbau-Dora, Bergen-Belsen, và ba cuộc “hành quân chết chóc” vào cuối chiến tranh. Sau chiến tranh, ông dành nhiều năm giảng dạy tại các trường học để kể về những gì mình đã trải qua. Nhưng giờ đây, ông lo sợ: “Khi thế hệ tôi không còn nữa, khi chúng tôi biến mất khỏi thế giới này, thì thế hệ sau chỉ có thể đọc lại mọi thứ qua sách vở”.