Qingzhou – bước tiến mới trong công nghệ vận tải vũ trụ của Trung Quốc

By Trần Thanh Tùng

Một mô hình kích thước thật của tàu vũ trụ chở hàng Qingzhou vừa được Trung Quốc giới thiệu tại Triển lãm Khoa học Vũ trụ diễn ra ở Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Thế giới, Thượng Hải. Qingzhou do Viện Đổi mới Vệ tinh siêu nhỏ (IAM) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) phát triển với chuyến bay đầu tiên dự kiến diễn ra trong năm nay. Hiện đội ngũ kỹ sư đang hoàn thiện thiết kế và phần mềm cho giai đoạn thử nghiệm ban đầu, trong khi các hệ thống con và linh kiện của tàu cũng đang được sản xuất.

Qingzhou sở hữu thiết kế khoang đơn tích hợp với thể tích hàng hóa 27 m³ và sức chở tối đa 2 tấn. Con tàu được thiết kế để vận chuyển nhu yếu phẩm cho phi hành gia, thiết bị thí nghiệm và các vật dụng khoa học khác. Ngoài ra, hệ thống giá đỡ 4 tầng với 40 ngăn và giao diện cho hàng hóa đặc biệt cho phép Qingzhou đáp ứng đa dạng yêu cầu nhiệm vụ tương lai. Đặc biệt, khoang lạnh của tàu có dung tích lên tới 300 lít, giúp vận chuyển thực phẩm tươi sống phục vụ các phi hành gia trong không gian.

Mô hình kích thước thật của tàu vũ trụ chở hàng Qingzhou được trưng bày tại triển lãm khoa học hàng không vũ trụ diễn ra ở Thượng Hải hôm 24/4. Ảnh: Beijing Daily

Ảnh: Beijing Daily

Theo ông Shu Rong, chỉ huy dự án Qingzhou, mẫu tàu này có ưu điểm gọn nhẹ, linh hoạt, chi phí thấp, độ tin cậy cao và tích hợp nhiều giải pháp thông minh. Qingzhou được tối ưu hóa cho cả việc giao hàng, thu hồi và xử lý hàng hóa, đồng thời hướng tới cung cấp dịch vụ vận chuyển thương mại trong tương lai nhằm tạo ra giá trị kinh tế và xã hội.

Trong quá trình thiết kế, nhóm nghiên cứu đã tham khảo các mẫu tàu vận tải nổi tiếng như Dragon của Mỹ, ATV của châu Âu, HTV của Nhật Bản và Tianzhou của Trung Quốc. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu riêng từ Cơ quan Không gian có người lái Trung Quốc (CMSA), Qingzhou được phát triển theo hướng nhỏ gọn hơn với khoang đơn tích hợp nhằm tăng tính linh hoạt khi lựa chọn tên lửa phóng. Trong chuyến bay đầu tiên, Qingzhou sẽ được phóng bằng tên lửa Lijian-2 do CAS Space phát triển, một dòng tên lửa có khả năng tái sử dụng đầy triển vọng của Trung Quốc.