Ngành hàng không Mỹ lao đao vì thuế quan, kêu gọi được miễn giảm

By Nhi Nguyễn

Ảnh: Boeing

Ngành hàng không Mỹ, đang chật vật vì cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump và sự sụt giảm nhu cầu đi lại, hiện đang vận động Nhà Trắng xin được miễn trừ thuế quan.

Các quan chức trong ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp với các thành viên cấp cao của chính quyền Trump, thậm chí cả với Tổng thống, để đề nghị khôi phục cơ chế miễn thuế theo Hiệp định Máy bay Dân dụng năm 1979, vốn giúp ngành này đạt thặng dư thương mại 75 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, các mức thuế mới của Trump đã chấm dứt chế độ miễn thuế kéo dài hàng chục năm này.

“Đội ngũ vận động chính sách của chúng tôi đang nỗ lực giải trình lý do vì sao cần có một ngoại lệ”, Giám đốc tài chính của American Airlines, ông Devon May, nói với Reuters.

Ngành hàng không kỳ vọng việc miễn thuế sẽ giúp các công ty duy trì chi phí ở mức thấp trong bối cảnh người tiêu dùng đang lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát cao, khiến chi tiêu cho du lịch giảm mạnh.

Các hãng hàng không đã cắt giảm số chuyến bay vì lượng khách đặt vé giảm. Họ cũng hủy bỏ các dự báo tài chính và cố gắng kiểm soát chi phí để bảo vệ biên lợi nhuận. Ngoài ra, họ còn phản đối việc các nhà sản xuất máy bay và động cơ tăng giá nhằm chuyển phần chi phí thuế sang cho khách hàng.

Một số lãnh đạo hãng hàng không thậm chí còn đề cập đến khả năng trả lại máy bay thuê hoặc hoãn nhận các máy bay mới.

“Thật khó để chúng tôi chấp nhận chuyện phải trả thêm thuế cho những chiếc máy bay đó”, ông May nói. “Nó hoàn toàn không hợp lý về mặt kinh tế”.

Các lãnh đạo các nhà cung cấp máy bay và động cơ cũng cam kết với cổ đông rằng họ sẽ không chịu gánh chi phí thuế quan này. Điều này làm gia tăng nguy cơ xung đột với khách hàng là các hãng hàng không.

Boeing dự kiến sẽ chịu thiệt hại do thuế quan dưới 500 triệu USD mỗi năm. Nhà sản xuất động cơ phản lực GE Aerospace ước tính hóa đơn thuế của mình sẽ vượt 500 triệu USD, trong khi đối thủ RTX dự báo chi phí sẽ tăng thêm khoảng 850 triệu USD mỗi năm.

Cả ba công ty đều kỳ vọng sẽ giảm bớt tác động của thuế thông qua các chiến lược như tăng giá bán và tận dụng số đơn hàng tồn đọng lớn.

Giám đốc điều hành GE Aerospace, ông Larry Culp, cảnh báo các hãng hàng không rằng việc trì hoãn nhận máy bay có thể gây bất lợi. “Sẽ có rất nhiều bên khác sẵn sàng xếp hàng chờ thay thế”, ông nói.

Tính đến cuối tháng 3, American Airlines có 14 máy bay dự kiến được bàn giao trong năm nay từ hai hãng sản xuất máy bay là Airbus (châu Âu) và Embraer (Brazil). Họ dự kiến một số máy bay, trong đó có Airbus A321 XLR lắp ráp tại châu Âu, sẽ phải chịu thuế quan.

“Thật khó tưởng tượng chúng tôi phải trả thêm 10% hay thậm chí nhiều hơn thế cho những chiếc máy bay – khoản chi tiêu vốn lớn nhất của chúng tôi”, ông May cho biết.

Đối thủ Delta Air Lines cũng cho biết họ không muốn chịu khoản thuế này vì điều đó sẽ làm lệch kế hoạch tài chính của hãng.

Ngay cả những máy bay lắp ráp tại Mỹ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, vì các nhà sản xuất phải nhập khẩu nhiều linh kiện từ nước ngoài.

Boeing đang phải trả thuế 10% cho các linh kiện nhập từ Ý và Nhật Bản. Giám đốc điều hành United Airlines, ông Scott Kirby, cho biết Airbus cũng phải trả thuế cho các máy bay lắp ráp tại bang Alabama, Mỹ.

Ảnh: Getty Images

Nhu cầu đi lại suy yếu

Một lãnh đạo hãng hàng không cho biết các hãng có thể đã “chịu đựng” được thuế nếu nhu cầu du lịch vẫn bùng nổ. Nhưng trong hai tháng qua, lượng khách đặt vé đã giảm, làm suy yếu khả năng điều chỉnh giá vé của họ.

Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, giá vé máy bay trong tháng 3 đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất theo tháng kể từ tháng 9/2021. Các hãng đã phải hạ giá vé để kích thích nhu cầu.

Trong một cuộc phỏng vấn, Giám đốc tài chính của Alaska Airlines, ông Shane Tackett, cho biết khách hiện nay chủ yếu đặt vé với mức giá thấp hơn. “Đó là tình trạng mà chúng tôi tin rằng tất cả các hãng hàng không đều đang phải đối mặt”, ông nói.

Tuần trước, American Airlines tuyên bố họ không mong đợi khách hàng sẽ chấp nhận việc tăng giá vé để bù chi phí thuế.

GE Aerospace dự đoán số chuyến bay cất cánh tại Bắc Mỹ, khu vực chiếm 25% lưu lượng hàng không toàn cầu, sẽ giảm do các hãng cắt giảm lịch bay. Số lượng chuyến bay cất cánh giảm sẽ ảnh hưởng đến mảng dịch vụ hậu mãi của công ty.

Họ cho biết, tình trạng giảm chuyến bay thường bắt đầu tác động tới doanh thu sau khoảng bốn quý.

Vận động xin miễn trừ

Nhà Trắng cho rằng các khoản thâm hụt thương mại lớn và kéo dài đã làm xói mòn ngành sản xuất trong nước và phá vỡ chuỗi cung ứng thiết yếu. Ông Trump khẳng định các mức thuế sẽ buộc các công ty phải chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ, tạo thêm việc làm cho người lao động Mỹ.

Tuy nhiên, các quan chức trong ngành hàng không cho rằng trường hợp của họ khác với các ngành khác, vì mỗi năm họ xuất khẩu hơn 135 tỷ USD sản phẩm. Phần lớn cơ sở sản xuất và nhân sự của ngành cũng đặt tại Mỹ.

Ông Culp cho biết gần đây ông đã gặp ông Trump để giải thích rằng cơ chế miễn thuế lâu đời đã giúp ngành hàng không duy trì cán cân thương mại dương cao nhất trong các lĩnh vực. Ông cho biết lập luận của mình đã được chính quyền “hiểu rõ”, nhưng nhấn mạnh “đây không phải là vấn đề duy nhất mà họ phải giải quyết”.

“Tôi đã lập luận rằng điều đó đã từng tốt và sẽ tiếp tục tốt cho đất nước”, ông nói.