Sự bất ổn của thị trường chứng khoán khiến nhiều người Mỹ e ngại chi tiêu cho du lịch

By Nhi Nguyễn

Ảnh: Spencer Platt/Getty Images

Kimberly Hilliard, đồng sáng lập một công ty du lịch năm năm tuổi tại bang Maryland, cho biết vào thời điểm này hàng năm, cô thường nhận được tới 10 cuộc hỏi thông tin mỗi tuần từ khách hàng háo hức đặt kỳ nghỉ. Nhưng suốt tháng vừa qua, điện thoại của cô gần như im bặt.

Sự chững lại bất thường trong kinh doanh của Hilliard diễn ra sau khi giá cổ phiếu tại Mỹ lao dốc hồi đầu tháng 4, khi các chỉ số chứng khoán chính ghi nhận mức giảm phần trăm lớn nhất kể từ năm 2020 do lo ngại về tác động của các mức thuế thương mại do Tổng thống Donald Trump áp đặt.

Ngay cả những khách hàng lâu năm, những người mà cô đã làm việc cùng trong nhiều tháng để lên kế hoạch kỳ nghỉ, cũng tạm ngưng liên lạc, ít nhất là lúc này, để chốt lịch đi chơi.

Theo Hilliard, đồng sáng lập công ty Front Porch Travel Co. có trụ sở ở Annapolis, đó có thể là vì triển vọng tài chính của khách hàng đột ngột trở nên không chắc chắn, mặc dù thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu hồi phục chập chờn từ mức thấp hồi tháng 4.

“Các diễn biến trên thị trường và nền kinh tế hiện nay có lẽ đang ảnh hưởng đến việc khách hàng quyết định có nên chi tiền cho chuyến đi hay không”, cô nói.

Các nhà kinh tế đã dự báo rằng các mức thuế mới của ông Trump với các đối tác thương mại, cùng với căng thẳng leo thang với Trung Quốc, sẽ gây sức ép lớn lên nền kinh tế Mỹ và có thể khiến lạm phát gia tăng trong thời gian tới, trừ khi chính quyền thay đổi chính sách.

Với giá trị tài khoản hưu trí 401(k) giảm sút, nhiều người Mỹ có xu hướng thận trọng hơn trong chi tiêu, đặc biệt là với những khoản chi không thiết yếu như du lịch, theo các chuyên gia trong ngành. Nhiều người đang tìm cách tiết kiệm hơn cho kỳ nghỉ, thậm chí quyết định ở nhà.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm vào tháng 4. Ngay cả trước đó, vào tháng 3, chi tiêu của người Mỹ cho lưu trú và các hoạt động du lịch đã giảm khoảng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Bank of America dựa trên tổng chi tiêu bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ bình quân đầu người.

Các hãng hàng không cũng không chắc chắn về hành vi tiêu dùng sắp tới khi nền kinh tế có thể xấu đi. Một số hãng như Delta Air Lines và Frontier Group (công ty mẹ của Frontier Airlines) đã rút lại dự báo doanh thu cả năm vì lý do này.

Tiara Moore, 36 tuổi, cho biết cô đã bàng hoàng khi chứng kiến danh mục đầu tư của mình mất 20.000 USD trong lúc đang nghỉ dưỡng ở Belize.

“Tôi đi du lịch vì cảm thấy mình có sự an toàn về tài chính”, Moore – nhà sinh thái biển và sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Black in Marine Science – chia sẻ về danh mục đầu tư của mình. “Nhưng khi thấy khoản lỗ lớn như vậy, tôi cảm thấy cần phải dồn thêm tiền vào quỹ dự phòng thay vì chi tiêu cho du lịch”.

Moore cho biết cô đã hủy tất cả các chuyến đi không cần thiết trong năm nay, và chỉ dự định đi Las Vegas vào tháng tới cho đám cưới của mình.

Ảnh: Angela Weiss/AFP/Getty Images

“Hủy vì bất kỳ lý do nào”

Các đại lý du lịch cho biết những khách hàng còn tiếp tục đặt kỳ nghỉ hiện nay thường chọn các điểm đến gần nhà hơn thay vì du lịch quốc tế. Nhiều người cũng tìm kiếm những phương án có thể dễ dàng hủy nếu tình hình tài chính xấu đi.

“Họ hỏi nhiều hơn về chính sách hủy đặt chỗ và muốn chọn các gói hoàn tiền”, Jennifer DiDonna, chủ sở hữu Amazing Journeys & More, một công ty du lịch ở Morganville, New Jersey, cho biết. “Gần đây tôi cũng bán được nhiều hợp đồng bảo hiểm du lịch hơn”.

Công ty bán bảo hiểm du lịch InsureMyTrip cho biết số lượng các hợp đồng bao gồm quyền “Hủy vì bất kỳ lý do nào” đã tăng 30% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 12/2024 đến tháng 3/2025, doanh số bảo hiểm của công ty tăng 23%.

Mỹ hiện vẫn là nguồn khách du lịch quốc tế lớn nhất của Ý và Pháp, nhưng trong tháng 3, lượng tìm kiếm chuyến bay từ Mỹ tới các nước này trong sáu tháng tới đã giảm khoảng 12%, theo Mirko Lalli, Giám đốc điều hành của công ty dữ liệu du lịch Data Appeal Company. Lượng tìm kiếm chuyến bay tới Anh cũng giảm 23%.

Herman Sims, 66 tuổi, ở Dallas, Texas, cho biết ông và vợ đã lên kế hoạch tới New Jersey chơi cùng bạn bè vào dịp Quốc khánh 4/7, nhưng đã đổi ý sau khi thấy chi phí cho chuyến đi hai ngày lên tới khoảng 2.000 USD.

Sims, quản lý ca đêm tại một công ty vận tải, cho biết tài khoản hưu trí 401(k) của ông đã giảm giá trị khi thị trường chứng khoán lao dốc sau thông báo về thuế của ông Trump hồi tháng 4. Dù tài khoản hiện đang phục hồi, hai vợ chồng ông quyết định ở lại gần nhà tại Tennessee trong kỳ nghỉ.

Mối quan tâm lớn nhất của Sims hiện nay là sức khỏe của nền kinh tế, chủ yếu vì tương lai của con cái và các cháu của ông.

“Tôi hy vọng chúng ta sẽ không rơi vào một cuộc suy thoái, điều này sẽ ảnh hưởng tới thế hệ sau”, ông nói.