Sản xuất Trung Quốc giảm sút trong tháng 4 dưới sức ép thuế quan Mỹ

By Hồng Nhung

Theo kết quả cuộc khảo sát của Reuters với 30 chuyên gia kinh tế, hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 4 có thể đã quay trở lại trạng thái co lại khi chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) được dự báo ở mức 49,8, dưới ngưỡng 50 cho thấy sự thu hẹp của ngành sản xuất.

Sáng cùng ngày, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố chỉ số PMI sản xuất chính thức trong tháng 4 đạt 49,0, giảm mạnh so với 50,5 của tháng 3 và thấp hơn mức 49,6 mà Bloomberg từng dự báo. Trong các tiểu mục, chỉ số đơn hàng mới giảm từ 51,8 xuống 49,2; chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới lao dốc còn 44,7; chỉ số việc làm giảm xuống 47,9; thậm chí tiểu mục hàng tồn kho thành phẩm cũng hạ về 47,3, phản ánh sự thu hẹp trên nhiều khía cạnh của chuỗi sản xuất.

Nguồn ảnh: Scmp

Sự sụt giảm này được cho là ảnh hưởng trực tiếp từ gói thuế quan “Ngày Giải phóng” do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt với mức thuế lên tới 145% lên hàng nhập khẩu Trung Quốc, chặn đứng làn sóng mua hàng tăng tốc trước đó và đặt áp lực nặng nề lên nhu cầu bên ngoài.

Trước diễn biến khó khăn, chính quyền Bắc Kinh đang thúc đẩy gia tăng các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ để giảm thiểu tác động tiêu cực. Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia dự kiến công bố một loạt giải pháp trong quý II, trong khi Bộ Chính trị cam kết hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng. Nhiều tổ chức tài chính lớn như IMF, Goldman Sachs và UBS đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2025 và 2026, khiến mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trở nên thách thức hơn bao giờ hết.

Những số liệu tiêu cực đồng loạt này cho thấy ngành sản xuất Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt khi căng thẳng thương mại với Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tiếp tục đặt gánh nặng lên quá trình phục hồi kinh tế toàn diện của Bắc Kinh.