Trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn khẳng định mục tiêu “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” thông qua các chính sách thương mại cứng rắn, giới phân tích cho rằng một số động thái của ông lại vô tình tạo điều kiện để Trung Quốc đẩy mạnh phát triển công nghệ, củng cố chiến lược tự cường quốc gia.
Ảnh: Lauka Kuen
Chia sẻ trên South China Morning Post, Giáo sư Rory Truex, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Princeton, cho rằng những chính sách như áp thuế trừng phạt, hạn chế tiếp cận công nghệ cao và cắt đứt chuỗi cung ứng từ Trung Quốc mà Tổng thống Trump triển khai có thể đã không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Thay vào đó, Trung Quốc lại coi đây là “động lực” để thúc đẩy các chương trình nội địa hoá công nghệ và giảm phụ thuộc vào phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Ông Truex đánh giá: “Những gì Tổng thống Trump định làm để làm suy yếu Trung Quốc có thể đang trở thành món quà lâu dài cho Bắc Kinh.”
Trước các đòn áp thuế và siết chặt công nghệ của Mỹ, Trung Quốc đã nhanh chóng đẩy mạnh đầu tư vào các ngành then chốt như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và công nghệ lượng tử. Các sáng kiến như “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” và các quỹ đầu tư nhà nước được tăng cường, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt lại trở thành đối tượng nhận hỗ trợ mạnh mẽ trong nước. Không chỉ vậy, Bắc Kinh còn tăng cường ngoại giao công nghệ với các nước ngoài phương Tây, đa dạng hóa đối tác thương mại và tìm kiếm nguồn cung thay thế, giúp họ vững vàng hơn trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược.
Với Mỹ, các đòn thuế và hạn chế xuất khẩu công nghệ đã làm gia tăng chi phí cho người tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp nội địa gặp khó khăn khi tiếp cận nguyên liệu giá rẻ và thị trường Trung Quốc. Đồng thời, các đồng minh của Mỹ cũng tỏ ra dè dặt trước nguy cơ bị cuốn vào cuộc chiến thương mại kéo dài, làm gia tăng bất ổn cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Giới chuyên gia cho rằng thay vì làm Trung Quốc chậm lại, chính sách của Tổng thống Donald Trump lại đang khiến Bắc Kinh trở nên linh hoạt hơn, khôn ngoan hơn và… nguy hiểm hơn về mặt cạnh tranh chiến lược trong dài hạn.
Khi cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt, bài học từ giai đoạn đầu nhiệm kỳ Tổng thống Trump cho thấy các biện pháp đối đầu trực diện có thể phản tác dụng nếu thiếu phối hợp đa phương và không tính đến khả năng thích nghi của đối phương. Như Giáo sư Truex kết luận: “Trung Quốc là một quốc gia có thể biến khủng hoảng thành cơ hội. Và nếu Mỹ không cẩn trọng, những gì họ định dùng để kiềm chế Trung Quốc có thể trở thành công cụ giúp Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ hơn.”