Chính phủ Hoa Kỳ điều tra khoản đầu tư của Benchmark vào startup AI Trung Quốc Manus

By Nhã Thanh

Chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu xem xét khoản đầu tư trị giá 75 triệu USD của quỹ đầu tư mạo hiểm Benchmark vào Manus, một startup trí tuệ nhân tạo có liên hệ với Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng công nghệ giữa hai nước ngày càng gia tăng.

Manus AI là một công ty khởi nghiệp chuyên phát triển các “tác nhân AI” (AI agents) – phần mềm có khả năng thực hiện các tác vụ phức tạp thay con người, như lập kế hoạch, tìm kiếm thông tin, và tương tác với các hệ thống kỹ thuật số. Công ty này đã nhanh chóng trở thành một trong những cái tên nổi bật trong làn sóng AI mới, đặc biệt sau khi ra mắt bản demo gây chú ý tại Mỹ vào đầu năm 2025.

Ảnh: Semafor

Startup này vừa huy động được 75 triệu USD trong vòng gọi vốn do Benchmark dẫn đầu, nâng mức định giá lên khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, khoản đầu tư này hiện đang bị Bộ Tài chính Mỹ xem xét vì lo ngại vi phạm các quy định hạn chế đầu tư vào công nghệ nhạy cảm có liên quan đến Trung Quốc. 

Theo báo cáo từ Semafor, các luật sư của Benchmark cho rằng khoản đầu tư này không vi phạm quy định vì Manus không trực tiếp phát triển mô hình AI, mà chỉ xây dựng các công cụ “bọc ngoài” (wrapper) cho các mô hình có sẵn. Ngoài ra, công ty này được đăng ký tại Quần đảo Cayman, một cấu trúc pháp lý phổ biến được nhiều công ty Trung Quốc sử dụng để tiếp cận vốn nước ngoài. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và quan chức Mỹ vẫn lo ngại rằng Manus có thể là một công ty Trung Quốc “ngụy trang”, và việc đầu tư vào các công ty như vậy có thể vô tình tiếp tay cho việc phát triển công nghệ AI có thể được sử dụng cho mục đích quân sự hoặc giám sát.

Khoản đầu tư của Benchmark đã gây ra phản ứng trái chiều trong giới đầu tư mạo hiểm. Delian Asparouhov, đối tác tại Founders Fund, đã đăng trên mạng xã hội X (Twitter) với lời chỉ trích ngắn gọn nhưng đầy ẩn ý: “Wow, hành động có hậu quả đấy” – ám chỉ rằng Benchmark có thể phải đối mặt với hậu quả pháp lý hoặc uy tín từ thương vụ này. Benchmark, Manus và Bộ Tài chính Mỹ hiện vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về cuộc điều tra.

Cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang siết chặt kiểm soát các khoản đầu tư vào công nghệ AI có liên quan đến Trung Quốc, đặc biệt sau khi ban hành các quy định mới vào năm 2023 nhằm ngăn chặn rò rỉ công nghệ nhạy cảm. Các lĩnh vực như bán dẫn, AI, và điện toán lượng tử đều nằm trong danh sách giám sát chặt chẽ.