Vào những ngày cuối cùng của sứ mệnh không gian gần đây, phi hành gia kỳ cựu Don Pettit đã khiến cộng đồng yêu thiên văn và nhiếp ảnh choáng ngợp khi chia sẻ một đoạn video ghi lại cực quang xanh lấp lánh từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Được quay khi ISS bay qua giữa Nam Cực và Úc, đoạn phim cho thấy một dải sáng xanh uốn lượn quanh đường cong của Trái Đất – một cảnh tượng mà chỉ những người ở ngoài không gian mới có cơ hội chứng kiến.
Cực quang – hay còn gọi là “rèm ánh sáng” thường được nhìn thấy từ mặt đất ở các vùng gần cực, nhưng khi được quan sát từ không gian, hiện tượng này trở nên huyền ảo và toàn cảnh hơn bao giờ hết. Trong đoạn video do Pettit đăng tải, ánh sáng xanh phát ra từ tầng điện ly của khí quyển Trái Đất như đang “nhảy múa” quanh hành tinh, tạo nên một khung cảnh siêu thực.
Ảnh: space
Pettit mô tả hiện tượng này là “nhiễu động dạng hơi nước” – một cách ví von đầy chất thơ cho sự chuyển động mềm mại và liên tục của cực quang khi nhìn từ trên cao.
Don Pettit, năm nay 70 tuổi, là một trong những phi hành gia kỳ cựu nhất của NASA, với tổng cộng 590 ngày sống ngoài không gian qua bốn sứ mệnh. Ông không chỉ là nhà khoa học mà còn là một nhiếp ảnh gia thiên văn xuất sắc, thường xuyên chia sẻ những bức ảnh và video ngoạn mục từ ISS.
Trước đó, ông từng ghi lại hình ảnh sao chổi Atlas C2024-G3, dải ngân hà Andromeda, trăng lưỡi liềm trên đường chân trời, và các địa danh nổi bật như sông Betsiboka ở Madagascar hay eo biển Gibraltar. Trong những ngày cuối cùng trên ISS, ông còn chụp một bức chân dung tự chụp đầy cảm xúc, đứng cạnh chiếc máy ảnh đã đồng hành cùng ông trong suốt hành trình.
Bức ảnh cực quang xanh không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là lời nhắc nhở về vẻ đẹp mong manh và kỳ diệu của Trái Đất. Pettit viết trong bài đăng cuối cùng trước khi trở về: “Ngày mai, tôi lại trở thành một người Trái Đất. Thật là một cuộc phiêu lưu”.