Nhật Bản “lao đao” vì du lịch quá tải sau khi quảng bá điểm chụp hình Núi Phú Sĩ trên mạng xã hội

By Hương Giang

Nỗ lực của chính quyền thành phố Fuji, tỉnh Shizuoka (Nhật Bản) nhằm quảng bá hình ảnh địa phương thông qua một điểm chụp hình lý tưởng với phông nền là núi Phú Sĩ đã vô tình dẫn đến tình trạng du lịch quá tải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân bản địa.

Ảnh: AFP 

Cây cầu vượt dành cho người đi bộ có tên “Mount Fuji Dream Bridge” (tạm dịch: Cầu Giấc mơ núi Phú Sĩ), được hoàn thành năm 2016, ban đầu chỉ đóng vai trò kết nối hai tuyến đường giao thông địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2022, chính quyền thành phố Fuji đã bắt đầu quảng bá hình ảnh cây cầu này như một địa điểm check-in lý tưởng với khung cảnh ngoạn mục của núi Phú Sĩ. Khi những bức ảnh được chia sẻ rộng rãi trên Instagram, TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác, nơi đây nhanh chóng trở thành “thánh địa sống ảo” đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo giới chức địa phương, có thời điểm khu vực này đón tiếp tới 1.000 lượt khách mỗi ngày – một con số vượt quá sức chịu đựng của cơ sở hạ tầng địa phương. Tình trạng này khiến người dân trong khu vực phải đối mặt với hàng loạt bất tiện: ô nhiễm tiếng ồn, đỗ xe trái phép, rác thải xả bừa bãi và hành vi không phù hợp của một số du khách – từ trèo lên mái nhà để có góc chụp tốt hơn đến đứng giữa đường gây cản trở giao thông.

Để đối phó, chính quyền thành phố Fuji đã triển khai nhiều biện pháp: cử nhân viên giám sát vào cuối tuần, dựng các biển báo nhắc nhở bằng tiếng Nhật, Trung, Hàn và Anh, cung cấp bãi đỗ xe miễn phí và tạo đường đi bộ riêng nhằm giảm ùn tắc. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố thừa nhận các biện pháp này chỉ có tác dụng nhất thời và không đủ để kiểm soát lượng khách khổng lồ đổ về mỗi ngày. Một số cư dân cho biết họ cảm thấy “bị xâm phạm đời sống riêng tư” và “mất kiên nhẫn” khi tình hình không được cải thiện dù đã phản ánh nhiều lần.

Thành phố Fujikawaguchiko, nằm ở phía bắc núi Phú Sĩ, gần đây cũng gặp phải vấn nạn tương tự tại khu phố có cửa hàng Lawson – nơi nổi tiếng với khung cảnh núi Phú Sĩ phía sau. Sau thời gian dài chịu đựng tình trạng du khách dừng đỗ xe bừa bãi, đi vệ sinh trái phép và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt dân cư, chính quyền đã quyết định dựng hàng rào đen cao 2,5m để chặn tầm nhìn từ điểm chụp hình nổi tiếng này. Tuy giải pháp gây nhiều tranh cãi, nhưng giới chức cho rằng điều này là cần thiết để bảo vệ cuộc sống người dân và giữ gìn môi trường đô thị.

Trường hợp tại thành phố Fuji và Fujikawaguchiko cho thấy mặt trái của việc quảng bá du lịch thông qua mạng xã hội. Việc một địa điểm bất ngờ trở nên “viral” có thể mang lại lợi ích kinh tế, nhưng nếu thiếu quy hoạch, điều phối và chuẩn bị kỹ lưỡng, nó cũng có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Các chuyên gia du lịch cho rằng Nhật Bản cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững hơn, chú trọng phân bổ lượng khách hợp lý, đầu tư vào hạ tầng phù hợp, và đặc biệt, đảm bảo sự đồng thuận từ cộng đồng địa phương trong quá trình khai thác du lịch.

Với vẻ đẹp mang tính biểu tượng, núi Phú Sĩ từ lâu đã trở thành niềm tự hào của Nhật Bản. Tuy nhiên, việc khai thác hình ảnh này một cách thiếu kiểm soát đang tạo ra những hệ lụy trái ngược với mục tiêu ban đầu. Bài học từ cầu Dream Bridge là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc quy hoạch và điều hành du lịch một cách có trách nhiệm, không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn vì sự bền vững của cộng đồng và môi trường sống.