Vào ngày 18 tháng 5 năm 2025, Giáo hoàng Leo XIV chính thức bắt đầu sứ vụ lãnh đạo Giáo hội Công giáo toàn cầu bằng một Thánh lễ nhậm chức trang trọng tại quảng trường Thánh Phêrô. Tuy nhiên, điều khiến vị tân Giáo hoàng này được chú ý không chỉ là cương vị đứng đầu Tòa Thánh, mà còn là chiều sâu tư tưởng thần học và tầm nhìn lãnh đạo mà ngài mang theo từ thời còn là tu sĩ và học giả.
Trước khi trở thành Giáo hoàng, Robert Francis Prevost (tên khai sinh của Tân Giáo hoàng Leo XIV) đã dành nhiều năm nghiên cứu Thần học và Triết lý Kitô giáo. Trong giai đoạn 1981 – 1985, khi ông còn là một tu sĩ trẻ trong Dòng Augustinô, ông hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinô (Angelicum) ở Rome. Luận án của ông tập trung vào quan điểm của Thánh Augustinô về việc thực thi quyền lực trong cộng đoàn tu trì.
Thánh Augustinô là một trong những vị Giáo phụ vĩ đại của Giáo hội, từng nhấn mạnh rằng quyền lực trong cộng đoàn không nên là công cụ để thống trị người khác mà phải là phương tiện để phục vụ. Dưới ánh sáng tư tưởng này, Prevost nay là Giáo hoàng Leo XIV viết rằng những người lãnh đạo trong cộng đoàn Kitô giáo cần gạt bỏ mọi tham vọng cá nhân, đồng thời sống và hành động vì lợi ích chung. “Không có chỗ cho những người tìm kiếm quyền lực vì mục đích cá nhân trong cộng đoàn của Augustinô”, Prevost từng viết trong luận án của mình. Ông lập luận rằng việc lãnh đạo trong Giáo hội cần dựa trên tinh thần vô vị lợi, phục vụ, và sự tận hiến cho cộng đồng.
Trước khi được bầu chọn làm Tân Giáo hoàng, ông đã trải qua nhiều vị trí quan trọng trong Giáo hội. Ông từng là Bề trên Tổng quyền của Dòng Augustinô từ năm 2001 đến 2012 – vị trí lãnh đạo cao nhất của dòng tu này trên toàn thế giới. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Chiclayo tại Peru, nơi ông có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ quyền lợi giáo dân và thúc đẩy cải cách mục vụ. Năm 2023, ông được Giáo hoàng tiền nhiệm bổ nhiệm làm Tổng trưởng Thánh bộ Giám mục – cơ quan có vai trò quan trọng trong việc giám sát việc bổ nhiệm các giám mục trên toàn thế giới. Trong vai trò này, ông nổi bật với sự công tâm và quyết đoán, đặc biệt là trong việc xử lý những vụ việc liên quan đến lạm quyền và bê bối trong Giáo hội.
Chính từ những kinh nghiệm đó, cộng với nền tảng Triết học vững chắc, Giáo hoàng Leo XIV đã xây dựng được hình ảnh một nhà lãnh đạo hội tụ giữa trí tuệ Thần học và lòng khiêm nhường mục tử. Việc Giáo hoàng Leo XIV kế thừa sứ mệnh lãnh đạo không chỉ đánh dấu một giai đoạn mới cho Tòa Thánh Vatican mà còn mở ra kỳ vọng về một triều đại mang tinh thần “phục vụ thay vì cai trị”. Trong bối cảnh Giáo hội Công giáo đang đối mặt với nhiều thách thức, từ khủng hoảng niềm tin đến sự sụt giảm tín hữu tại nhiều quốc gia phương Tây, việc có một Giáo hoàng đặt trọng tâm vào sự phục vụ, công lý và tính minh bạch được kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới. Thông điệp đầu tiên của Giáo hoàng Leo XIV đã khẳng định điều đó: “Tôi không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ như chính Đức Kitô đã dạy chúng ta”.