Ngày 26/5, Đại sứ Trung Quốc tại Úc, ông Tiêu Kiện, đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Chính phủ Úc nhằm thu hồi quyền kiểm soát Cảng Darwin từ Tập đoàn Landbridge của Trung Quốc, cho rằng hành động này là “phi đạo đức” và mang tính trừng phạt đối với một doanh nghiệp đã đầu tư hợp pháp và đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương.
Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, phát biểu của ông Tiêu được đưa ra trong bối cảnh cả hai đảng lớn tại Úc – Công đảng và Liên đảng Tự do – đều cam kết trong chiến dịch tranh cử sẽ đưa cảng chiến lược này “trở lại tay người Úc”, viện dẫn lý do an ninh quốc gia. Thủ tướng Anthony Albanese cho biết chính phủ sẵn sàng can thiệp trực tiếp để mua lại cảng nếu không tìm được nhà đầu tư tư nhân phù hợp.
Cảng Darwin được chính quyền Lãnh thổ Bắc Úc cho Tập đoàn Landbridge thuê trong 99 năm từ năm 2015 với giá 506 triệu AUD. Thỏa thuận này từng gây tranh cãi và bị Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama bày tỏ lo ngại về khả năng ảnh hưởng đến an ninh khu vực, do cảng nằm gần căn cứ quân sự nơi khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ Mỹ luân phiên đóng quân hàng năm.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra nhấn mạnh rằng việc thu hồi cảng khi nó bắt đầu sinh lời là hành động không công bằng và có thể làm tổn hại đến môi trường đầu tư của Úc. Tuyên bố của ông Tiêu nêu rõ: “Một dự án như vậy xứng đáng được khuyến khích, không phải bị trừng phạt. Việc cho thuê cảng khi nó không có lãi, rồi tìm cách thu hồi khi nó có lãi là điều phi đạo đức.”
Trong khi đó, cộng đồng người Hoa tại Darwin cũng bày tỏ lo ngại về tác động kinh tế nếu hợp đồng thuê bị hủy bỏ. Bà Shu Qin Li, Chủ tịch Hội Hữu nghị Úc–Trung tại Lãnh thổ Bắc Úc, cho biết việc chấm dứt hợp đồng có thể gây thiệt hại cho các nhóm cộng đồng địa phương vốn nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Landbridge. Bà cho rằng quyết định này mang tính chính trị và thiếu cơ sở về an ninh.
Về phía Landbridge, công ty khẳng định cảng Darwin không được rao bán và họ coi đây là khoản đầu tư dài hạn. Ông Terry O’Connor, Giám đốc không điều hành của Landbridge tại Úc, cho biết: “Chúng tôi chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thảo luận nào với chính phủ liên bang về việc thay đổi thỏa thuận thuê.”
Trước đó, vào tháng 10/2023, chính phủ Úc đã tiến hành một cuộc rà soát và kết luận rằng không cần thiết phải hủy bỏ hợp đồng thuê cảng, do các cơ chế giám sát hiện tại đủ mạnh để quản lý rủi ro an ninh. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ quốc phòng giữa Úc và Mỹ ngày càng chặt chẽ, với việc tăng cường hiện diện quân sự tại miền Bắc Úc, vấn đề kiểm soát cảng Darwin tiếp tục là chủ đề nóng.