Tổng giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva nhận định kinh tế Mỹ đang “tốt hơn nhiều” so với dự đoán, với tốc độ tăng trưởng 2,8% năm 2024 và dự báo đạt 2,2% năm nay. Bà cho rằng toàn cầu đang dõi theo chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump, đặc biệt là các vấn đề về thuế, bãi bỏ quy định và hiệu suất chính phủ. Lạm phát tại Mỹ gần đạt mục tiêu của Fed và Fed được dự báo giữ lãi suất cao hơn một chút trong thời gian dài để ổn định thị trường.
Theo báo cáo của Goldman Sachs tháng 11/2024, kinh tế Mỹ có thể vượt kỳ vọng vào năm 2025 nhờ giảm lo ngại suy thoái, lạm phát tiến gần mức 2% và thị trường lao động cân bằng lại. Tuy nhiên, các thay đổi chính sách của ông Trump được đánh giá sẽ không làm thay đổi lớn quỹ đạo kinh tế hoặc chính sách tiền tệ. IMF cũng nhận định kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục ổn định đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Nhà Trắng ở thủ đô Washington, Mỹ hồi tháng 10/2022. Ảnh: AFP
IMF và Liên Hợp Quốc dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,8% năm 2025, tương tự 2024 nhưng thấp hơn mức trung bình 3,2% giai đoạn trước đại dịch. Trung Quốc đối mặt giảm phát và nhu cầu nội địa suy giảm, trong khi Liên minh châu Âu và Ấn Độ ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm lại. Mỹ được dự đoán tăng trưởng 1,9%, giảm từ 2,8% năm ngoái, còn châu Âu sẽ hồi phục nhẹ nhờ lạm phát giảm và thị trường lao động cải thiện.
UN cảnh báo các nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp có thể gặp khó khăn vì USD mạnh khiến chi phí trả nợ tăng. Trong khi các ngân hàng trung ương lớn dự kiến tiếp tục hạ lãi suất, nới lỏng tiền tệ được cho là không đủ để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Các thách thức như đầu tư yếu, tăng trưởng năng suất thấp và áp lực dân số đang đòi hỏi cải cách mạnh mẽ để đảm bảo phát triển bền vững.