Black Mirror mùa 7: Khi loạt phim tuyển tập dám làm mới mình, và có lúc… không nên

By Lê Quỳnh Duyên
black mirror
Ảnh: Netflix

Làm một series dạng tuyển tập (anthology) chưa bao giờ là dễ dàng. Trong khi các bộ phim truyền hình truyền thống chỉ cần xây dựng tuyến nhân vật và nội dung cốt lõi rồi lặp lại công thức ấy qua từng tập, thì phim tuyển tập phải liên tục “làm mới bản thân”, chinh phục khán giả từng lần một.

Chỉ cần một tập không đủ hấp dẫn, mọi công sức sáng tạo đằng sau có thể nhanh chóng bị cho là lãng phí. Ngay cả những tập hay cũng chỉ được tán thưởng trong chốc lát, trước khi khán giả chuyển sang trông đợi câu chuyện tiếp theo. Và trong mùa thứ bảy của Black Mirror – bộ sưu tập những câu chuyện giả tưởng lấy cảm hứng từ thời đại công nghệ – biên kịch Charlie Brooker lần đầu tiên “phá lệ”, mang đến phần tiếp theo của một tập phim cũ.

Với tập kết mùa dài hơn bình thường, USS Callister: Into Infinity, là phần tiếp nối của tập phim được yêu thích từ mùa 4. Tuy nhiên, nghịch lý thay, đây lại là tập kém ấn tượng nhất trong mùa này. Vì không còn yếu tố bất ngờ hay cảm giác hồi hộp khi khám phá một câu chuyện hoàn toàn mới, USS Callister phần 2 thiếu đi điều làm nên linh hồn của Black Mirror.

Ngược lại, năm tập còn lại đã liều lĩnh chọn con đường không an toàn – và phần lớn đều thu về kết quả xứng đáng.

Common People mở màn với một câu chuyện gai góc nhưng đầy cảm thông. Chris O’Dowd và Rashida Jones vào vai một cặp đôi lao động nghèo, chật vật xoay xở khi người vợ mắc u não. Giải pháp duy nhất: chuyển ý thức của cô lên “đám mây” – dịch vụ đăng ký theo tháng đắt đỏ và đầy điều khoản thay đổi bất ngờ. Dù bị phê bình là “quá sa đà vào châm biếm xã hội”, tập phim vẫn khắc họa rõ rệt nỗi bất an hiện đại, khi ngay cả sự sống cũng phải trả phí như… một ứng dụng nâng cấp.

Một nét nhẹ nhàng hơn đến từ Hotel Reverie, nơi nữ diễn viên do Issa Rae thủ vai được “số hóa” vào một bộ phim lãng mạn cổ điển trắng đen. Gợi nhớ đến The Truman Show hay Doctor Who, câu chuyện lật mở sự thật rằng, đôi khi chính những nhân vật hư cấu lại mang giá trị cảm xúc thật nhất với người xem – và với chính những người tạo ra họ.

Eulogy là điểm lặng tinh tế giữa mùa phim, với Paul Giamatti trong vai một người đàn ông có thể bước vào những bức ảnh cũ để tìm lại tình yêu đã mất. Công nghệ ở đây chỉ là nền, để kể về nỗi tiếc nuối thuần túy của một đời sống analog, nơi ký ức cũ nằm yên trong hộp giấy phủ bụi – chứa đầy hình ảnh, thư tay và băng cassette.

Tập phim được xem là “đáng gờm” nhất là Bête Noire, với bối cảnh tưởng chừng như một drama chiếu giữa tuần. Siena Kelly vào vai Maria – một nhân viên văn phòng đang cố vạch trần Verity (Rosy McEwen) – người đồng nghiệp mới nhưng đầy nguy hiểm. Tuy nhiên, không ai tin cô. Khi sự điên loạn dần tăng tốc, phần kết đẩy mọi thứ lên cao trào khiến người xem không chỉ bật cười, mà là cười “điên dại”.

Tập duy nhất bị đánh giá thấp là Plaything, với Peter Capaldi vào vai nghi phạm giết người bị thẩm vấn bằng công nghệ hiện đại. Dù mở đầu nhiều hứa hẹn, tập phim nhanh chóng… kết thúc mà không đi đến đâu. Một ý tưởng tốt bị bỏ dở, khán giả không khỏi thất vọng.

Black Mirror mùa 7 cho thấy một sự chuyển mình thú vị – từ một loạt phim lạnh lùng, gai góc đã dần phát triển “mô mềm”, trở nên dịu dàng và mang hơi ấm con người hơn. Và khi bộ tuyển tập này thất bại, ta vẫn dễ dàng tha thứ cho nó – bởi những lần nó thành công, nó khiến ta không thể rời mắt.