Các công ty AI Trung Quốc này có thể là “DeepSeek tiếp theo”

By Nguyễn Thị Thảo Nhi

Sự trỗi dậy như vũ bão của DeepSeek đã khiến cả thế giới chú ý đến AI từ Trung Quốc. Dưới đây là những công ty AI Trung Quốc đang gây chú ý và rất đáng theo dõi.

Vào tháng 1, một phòng nghiên cứu AI ít tên tuổi của Trung Quốc tên là DeepSeek đã khiến thế giới ngỡ ngàng khi ra mắt một mô hình mã nguồn mở tiên tiến, có thể sánh ngang với các ông lớn công nghệ tại Mỹ – và điều đặc biệt là họ làm được điều đó với nguồn lực hạn chế hơn nhiều. Hàng loạt tên tuổi trong ngành AI, từ OpenAI đến Anthropic, đều ca ngợi thành tựu của DeepSeek, đồng thời cũng phải lên tiếng bảo vệ thành quả của chính họ. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn gọi đây là “hồi chuông cảnh tỉnh”.

Nhưng hơn cả khoảnh khắc lan truyền mạnh mẽ đó – phần nào được tạo nên bởi làn sóng hype về AI và những lo ngại địa chính trị – sự xuất hiện của DeepSeek đã tạo ra một tác động sâu rộng hơn: Nó đưa AI Trung Quốc lên “sân khấu” toàn cầu và cho thấy tầm ảnh hưởng thực sự của họ. DeepSeek và nhiều công ty Trung Quốc khác không được đưa vào danh sách AI 50 – bảng xếp hạng những công ty AI tư nhân triển vọng nhất – vì tính minh bạch tài chính và hoạt động kinh doanh còn hạn chế. Nhưng họ vẫn rất đáng chú ý, nhất là khi nhiều công ty Trung Quốc đang tạo ra tác động vượt xa biên giới, nhờ chiến lược mã nguồn mở, cho phép bất cứ ai cũng có thể sử dụng miễn phí.

Ảnh: Raffaele Huang/WSJ

Các ông lớn công nghệ Trung Quốc cũng đang chiếm sóng AI

Nhiều mô hình AI nổi bật hiện nay đến từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Ví dụ như:

  • Hunyuan – ứng dụng tạo video AI của tập đoàn Tencent (hãng sở hữu WeChat, có doanh thu 92 tỷ USD năm 2024). Công ty này cho biết mô hình AI mới của họ có khả năng suy luận tốt hơn cả mô hình hàng đầu của DeepSeek.
  • Doubao – ứng dụng phục vụ người tiêu dùng từ công ty mẹ của TikTok là ByteDance. Doubao nổi bật với mô hình AI không gian, có thể phân tích môi trường vật lý và tạo ra các cảnh 3D.
  • Qwen – dòng mô hình ngôn ngữ lớn của Alibaba, hiện có hơn 90.000 khách hàng doanh nghiệp sử dụng thông qua nền tảng đám mây của hãng.

Theo chuyên gia đầu tư Rob Toews (Radical Ventures), “Alibaba hiện là nhà vô địch AI lớn của Trung Quốc, tương tự như vị thế của Google hay Meta tại Mỹ”. Các mô hình từ Alibaba và DeepSeek hiện cũng đang nằm trong top 5 mô hình phổ biến nhất trên Hugging Face – nền tảng chia sẻ mã nguồn AI hàng đầu thế giới.

Sự bùng nổ của các startup AI mới

Sự trỗi dậy của DeepSeek đã mở đường cho hàng loạt startup AI Trung Quốc khác. Ví dụ:

  • Butterfly Effect (Hiệu Ứng Cánh Bướm) – một startup tại Vũ Hán, ra mắt hệ thống AI tên Manus vào tháng 3. Mô hình này có thể tự động lướt web, tìm nhà, phân tích chứng khoán hay thiết kế website. Dù còn một số lỗi như hiểu sai yêu cầu hay gặp sự cố khi xử lý văn bản lớn, Manus vẫn được xem là đối thủ tiềm năng của dịch vụ Operatortừ OpenAI. Công ty đang đàm phán để huy động vốn từ nhà đầu tư Mỹ với mức định giá 500 triệu USD.

Butterfly Effect không đào tạo mô hình riêng mà dùng thẳng mô hình Claude của Anthropic – điều được chuyên gia đánh giá là “phiên bản tốt hơn của những gì OpenAI đang làm với Operator”.

Trung Quốc cũng tiến mạnh vào lĩnh vực robot hình người

Trung Quốc cũng đang tạo đột phá trong lĩnh vực robot hình người. Công ty Agibot, thành lập năm 2023 bởi Peng Zhihui – một tài năng trẻ từng làm việc tại Huawei, cho biết họ đã sản xuất hơn 1.000 robot hai chân chạy bằng AI và dự định tăng con số này lên 5.000 trong năm nay – cạnh tranh trực tiếp với robot Optimus của Elon Musk. Gần đây, Agibot đã tuyển dụng Luo JianLan – cựu chuyên gia tại Google X (trung tâm “ý tưởng điên rồ” của Alphabet) để dẫn dắt nghiên cứu.

Các “con hổ lớn” của AI Trung Quốc

Nhà đầu tư nổi tiếng Kai-Fu Lee – người từng giúp Google và Microsoft xây dựng văn phòng tại Trung Quốc – cũng có startup AI riêng tên 01.AI (thành lập năm 2022). Công ty này vừa chuyển hướng: thay vì huấn luyện mô hình riêng, họ dùng AI của DeepSeek để xây dựng ứng dụng cho các ngành như game, luật và tài chính. 01.AI đã huy động được 200 triệu USD và được định giá 1 tỷ USD. Đây là một trong “Lục Hổ” – nhóm 6 công ty AI hàng đầu Trung Quốc – cùng với MiniMax AI (AI đa phương tiện) và Moonshot AI (chuyên phát triển mô hình), đều có đầu tư từ Alibaba.

Cuộc đua công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng

Sự trỗi dậy của AI Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng. Năm 2022, cựu Tổng thống Biden khi đó đã đưa ra lệnh hạn chế xuất khẩu chip AI từ các công ty như Nvidia và AMD sang Trung Quốc, nhằm làm chậm bước tiến AI của quốc gia này. Đến nay, cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang với mức thuế mới do Tổng thống Trump áp đặt – lên đến 125% cho hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiến nhanh nhờ đầu tư mạnh vào nghiên cứu học thuật và công bố mã nguồn mở tại các trường đại học. Theo ông Russell Wald (Giám đốc Viện AI của Đại học Stanford), từ năm 2018 Trung Quốc đã công bố mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu AI vào năm 2030. Đến năm 2023, nước này đã nắm giữ 70% số bằng sáng chế AIvà tạo ra 23% lượng bài báo và trích dẫn khoa học AI toàn cầu. “Đây là sức mạnh của một nhà nước tập trung, khi họ nói: ‘Chúng ta sẽ đi theo hướng đó’”, Wald nhận xét.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc kiểm duyệt nội dung trong các mô hình AI tại Trung Quốc có thể khiến người dùng phương Tây e ngại.

Ảnh: Freepix

Khoảng cách đang thu hẹp

Tuần trước, Viện AI Stanford công bố báo cáo thường niên AI Index, cho thấy khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực AI đang thu hẹp. Dù Mỹ vẫn dẫn đầu với 40 mô hình “nổi bật” (có ảnh hưởng lớn đến ngành), Trung Quốc đứng thứ hai với 15 mô hình. Về hiệu suất mô hình, hai năm trước Mỹ còn vượt xa Trung Quốc, nhưng đến năm ngoái, Trung Quốc đã tiệm cận về điểm số trong các bài đánh giá chuẩn.

Chiến lược mã nguồn mở đã giúp các công ty Trung Quốc vượt qua rào cản khu vực để vươn tầm toàn cầu. Như ông Jeff Boudier (Hugging Face) nhận định: “Trong thế giới của mã nguồn mở, không còn rào cản nào cả. Không còn Tường Lửa Vạn Lý”.

Ông Wald cũng cho rằng điều thú vị hơn là những công ty chúng ta chưa biết đến hôm nay, nhưng có thể sẽ bùng nổ trong một hai năm tới.