Các hãng vận tải toàn cầu chờ đợi kế hoạch của Mỹ áp phí cảng đối với tàu có liên hệ với Trung Quốc

By Nguyễn Thị Thảo Nhi

Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) sẽ công bố kế hoạch vào thứ Năm (giờ Mỹ) về việc áp phí cảng đối với các tàu có liên quan đến Trung Quốc – một phần trong nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm hồi sinh ngành đóng tàu trong nước và đối phó với sự thống trị của Trung Quốc trên đại dương.

Ảnh: Michael Nagle/Bloomberg

Ngày 17 tháng 4 – đánh dấu tròn một năm kể từ khi cuộc điều tra của USTR về các hoạt động hàng hải của Trung Quốc bắt đầu – cũng là hạn chót pháp lý để cơ quan này đưa ra các biện pháp xử lý, sau khi kết luận hồi tháng 1 rằng Trung Quốc đang sử dụng chính sách và thực tiễn không công bằng để thống trị ngành vận tải biển toàn cầu.

Tuần trước, Đại diện Thương mại Jamieson Greer cho biết cơ quan này sẽ không áp dụng toàn bộ các điều khoản ban đầu trong đề xuất, vốn bao gồm các khoản phí cảng có thể lên tới hàng triệu USD đối với những tàu có liên kết với Trung Quốc.

USTR hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về các chi tiết trong kế hoạch mới.

Phản đối dữ dội từ ngành vận tải toàn cầu

Sự thay đổi này có vẻ là kết quả của làn sóng phản đối mạnh mẽ từ ngành hàng hải toàn cầu, bao gồm các nhà vận hành cảng và tàu tại Mỹ, cũng như các nhà xuất – nhập khẩu Mỹ liên quan đến đủ loại hàng hóa từ than đá, ngô đến chuối và bê tông.

Tại một phiên điều trần trước Quốc hội, ông Greer cho biết các khoản phí có thể không được áp dụng cộng dồn và sẽ được thiết kế để tránh gây tổn hại cho kinh tế.

Chính phủ Mỹ đang xem xét điều chỉnh đề xuất sau khi nhận được hàng trăm phản hồi từ doanh nghiệp thông qua họp kín hoặc bình luận công khai trên mạng. Việc triển khai chính thức có thể bị trì hoãn đến tận tháng 11, theo ba nguồn tin theo dõi vụ việc.

Nhiều lãnh đạo ngành cảnh báo rằng người đóng thuế, người lao động và thậm chí cả các hãng đóng tàu Mỹ – những đối tượng mà chính sách muốn hỗ trợ – có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, vì gần như toàn bộ đội tàu toàn cầu hiện nay đều sẽ phải chịu phí.

Ảnh: John G Mabanglo/EPA/Shutterstock

Các cảng nhỏ lo bị bỏ rơi

Ví dụ, các cảng quy mô vừa và nhỏ lo ngại rằng tàu sẽ ngừng cập cảng của họ nếu mức phí được áp cho mỗi lần ghé cảng. Điều này có thể dẫn đến việc tập trung tàu vào các cảng lớn, gây quá tải, trong khi bỏ đói các cảng nhỏ – vốn đã nhận hàng tỷ USD đầu tư công để nâng cấp hạ tầng.

Ông Scott Chadwick, CEO Cảng San Diego, nói rằng: “Quy định hiện tại, đặc biệt là khoản phí tính cho mỗi lần tàu cập cảng, có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng và mang lại hậu quả ngoài mong muốn cho các cảng của Mỹ cũng như những người phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Cảng San Diego là nơi đặt trụ sở của công ty đóng tàu NASSCO thuộc General Dynamics, và cũng là nơi hoạt động của hãng vận chuyển Pasha, vốn có các chuyến tàu định kỳ đến Hawaii bằng tàu Jean Anne được đóng tại Mỹ.

Ông Chadwick không nêu rõ tác động cụ thể, nhưng việc tàu ít ghé San Diego hơn có thể khiến hoạt động sửa chữa tàu của NASSCO giảm và gây khó khăn tài chính cho các đơn vị vận hành bến cảng.

Các công ty đóng tàu quân sự khác như Huntington Ingalls Industries chưa đưa ra bình luận.

Ủng hộ chính sách nhưng lo mất đầu tư

Hiệp hội Các nhà đóng tàu Mỹ cho biết họ ủng hộ mục tiêu của Tổng thống Trump trong việc khôi phục và củng cố ngành công nghiệp đóng – sửa chữa tàu trong nước.

Tuy nhiên, Hiệp hội Các cảng Hoa Kỳ (AAPA) cảnh báo rằng những khoản phí được đề xuất có thể phá hỏng hàng năm trời đầu tư của chính phủ vào hệ thống cảng, bao gồm nạo vét luồng lạch, thiết bị xếp dỡ mới và mở rộng bến cảng.

Ông Cary Davis, CEO của AAPA, viết trong thư gửi USTR: “Đề xuất này có thể khiến những khoản đầu tư quý giá – tương đương hàng ngàn việc làm – trở thành tài sản ‘mắc kẹt’ không phát huy hiệu quả”.

Ngành vận tải: Không thể xoay chuyển hệ thống trong một đêm

Đại diện các cảng Los Angeles, Long Beach, Seattle và Liên minh Cảng Tây Bắc xác nhận đã gặp trực tiếp USTR để trình bày mối lo về việc hàng hóa sẽ bị điều hướng sang nơi khác.

Cùng tham gia có công đoàn bốc xếp ILWU và các nhà vận hành đường sắt như Union Pacific và BNSF thuộc Berkshire Hathaway.

Ông Matt Leech, CEO của hãng vận hành cảng lớn nhất nước Mỹ – Ports America, nhấn mạnh: “Vấn đề không chỉ là chuyển hướng hàng hóa, mà còn là cả một hệ thống hạ tầng và logistics hỗ trợ cho dòng chảy hàng hóa. Bạn không thể xây đường sắt mới hay tìm lực lượng xe tải mới chỉ sau một đêm”.