Carlyle có thể vào cuộc giải cứu Makino trước lời chào mua từ Nidec

By Trần Thanh Tùng

Tập đoàn đầu tư tư nhân Carlyle đang tiến hành đàm phán với Makino Milling Machine của Nhật Bản, được cho là để đóng vai trò “hiệp sĩ áo trắng” nhằm ngăn chặn lời đề nghị mua lại thù địch trị giá 1,81 tỷ đô la từ đối thủ Nidec. Thông tin từ nguồn tin thân cận cho biết, các cuộc thảo luận đang diễn ra trong bối cảnh cuộc đua giành quyền kiểm soát Makino ngày càng căng thẳng.

Nidec đã công bố lời chào mua chính thức vào ngày 4 tháng 4 với giá 11.000 yên cho mỗi cổ phiếu, tương đương định giá Makino ở mức 257 tỷ yên. Tuy nhiên, hội đồng quản trị của Makino đã phản ứng bằng cách triển khai biện pháp phòng vệ “viên thuốc độc” nhằm cản trở thương vụ – một chiến lược phổ biến tại Nhật Bản nhằm pha loãng cổ phần của bên thâu tóm. Makino cũng khuyến nghị cổ đông không tham gia vào lời đề nghị của Nidec, viện lí do rằng hiện vẫn còn nhiều bên quan tâm đang đàm phán.

Biển hiệu Carlyle được trưng bày tại văn phòng ở Manhattan, thành phố New York

Ảnh: Reuters

Ngoài Carlyle, Makino cũng thu hút sự chú ý từ các quỹ đầu tư khác như MBK Partners và NSSK, tuy nhiên NSSK đã rút khỏi cuộc đua. Một nguồn cho biết Carlyle đã trở nên thận trọng hơn sau khi Hoa Kỳ thông báo các biện pháp thuế mới. Dù vậy, vẫn chưa rõ liệu Carlyle có đưa ra lời đề nghị chính thức hay không. Hiện cả Carlyle và Makino đều từ chối bình luận về vấn đề này.

Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), đồng thời siết chặt quy định về các chiến thuật phòng vệ. Bộ Kinh tế Nhật Bản đã ban hành hướng dẫn yêu cầu các công ty phải xem xét nghiêm túc các đề nghị mua lại đáng tin cậy, trong khi việc sử dụng “thuốc độc” chỉ được chấp nhận nếu việc thâu tóm đe dọa giá trị doanh nghiệp và lợi ích của cổ đông. Đại diện Nidec, ông Takamitsu Araki cho biết mục tiêu của họ là mở rộng giá trị doanh nghiệp và tạo thêm việc làm, đồng thời xác nhận công ty có chiến lược rõ ràng. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc phát hành cổ phiếu phòng vệ vẫn sẽ cần sự chấp thuận từ cổ đông tại đại hội thường niên dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới.