Kết quả kinh doanh quý gần đây của Intel đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ giới đầu tư bởi đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy hiệu quả chiến lược cải tổ do CEO mới – ông Lip-Bu Tan đề ra. Từng là một “gã khổng lồ” trong ngành sản xuất chip, Intel đã trải qua nhiều năm tụt hậu so với các đối thủ như AMD trong lĩnh vực chip máy tính cá nhân và trung tâm dữ liệu, cũng như bị Nvidia vượt mặt trong cuộc đua về trí tuệ nhân tạo. Việc thay đổi người lãnh đạo là bước đi quan trọng trong nỗ lực giành lại vị thế của công ty.
Ông Lip-Bu Tan, từng rời hội đồng quản trị của Intel vào năm 2024 vì bất đồng chiến lược, đã chính thức đảm nhận vị trí CEO vào tháng 3 năm nay. Ngay từ những ngày đầu, ông đã tiến hành tinh giản cấu trúc điều hành, đưa các nhóm sản phẩm cốt lõi báo cáo trực tiếp lên mình. Mục tiêu của ông là tái tập trung hoạt động kinh doanh, cắt giảm chi phí và tạo nguồn lực cho các khoản đầu tư sản xuất chip. Tuy nhiên, một số kế hoạch về AI như chip đồ họa Falcon Shores vẫn chưa đạt kỳ vọng khiến Intel tạm thời không có sản phẩm chủ lực cạnh tranh trong thị trường AI đang bùng nổ.
Ảnh: Reuters
Thách thức lớn hơn đối với Tan là tình hình địa chính trị và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Intel hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc – chiếm tới một phần ba doanh thu của hãng vào năm 2024. Trong bối cảnh các mức thuế mới từ hai phía có thể được áp dụng, khả năng định tuyến sản xuất thông qua các nhà máy ngoài nước Mỹ như ở Ireland đang trở thành phương án tiềm năng để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, việc Intel vẫn phụ thuộc một phần vào TSMC cho sản xuất chip tiên tiến cũng là một lợi thế tạm thời trong bối cảnh thuế quan chưa ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng.
Mặc dù vậy, tình hình tài chính của Intel vẫn chưa có nhiều cải thiện rõ rệt. Doanh thu quý mới nhất được dự báo sẽ giảm 3,4%, trong đó mảng máy tính cá nhân dự kiến giảm 11% còn 6,73 tỷ USD và mảng trung tâm dữ liệu tiếp tục chuỗi giảm kéo dài đến quý thứ 12 liên tiếp. Khoản lỗ dự kiến tăng mạnh lên gần 945 triệu USD, cao hơn nhiều so với mức lỗ 381 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, một số chuyên gia vẫn cho rằng nhu cầu tăng đột biến trong quý đầu năm do lo ngại về thuế quan có thể giúp Intel “thở phào” tạm thời.