Các nhà khoa học thuộc Meta (Mỹ) vừa công bố hai nghiên cứu đột phá, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp công nghệ quét não không xâm lấn nhằm biến những suy nghĩ trong não bộ con người thành câu chữ. Điểm đặc biệt là công nghệ này không cần cấy ghép thiết bị vào não, mở ra tiềm năng lớn cho các giao diện não – máy tính hỗ trợ người bị tổn thương khả năng giao tiếp.
Trong nghiên cứu đầu tiên, các chuyên gia sử dụng kỹ thuật từ não đồ (MEG) để đo từ trường sinh ra bởi các xung điện trong não, qua đó theo dõi hoạt động của các nơron thần kinh khi tình nguyện viên gõ chữ. Sau đó, họ huấn luyện mô hình AI để giải mã tín hiệu não thu được từ MEG nhằm tái tạo lại các câu chữ mà tình nguyện viên đã đánh máy. Kết quả cho thấy, AI có thể giải mã chính xác các chữ cái với tỷ lệ đúng lên tới 68%. Các chữ cái phổ biến như A, E, O được nhận diện chính xác hơn, trong khi những chữ ít dùng như Z, K có tỷ lệ sai sót cao hơn. Khi mô hình mắc lỗi, nó thường chọn nhầm những chữ cái nằm gần nhau trên bàn phím QWERTY, điều này cho thấy AI đang thực sự dựa vào tín hiệu từ não bộ để đưa ra dự đoán.
Tình nguyện viên gõ chữ trong thí nghiệm của Meta. Ảnh: Meta
Tiếp nối thành công từ nghiên cứu đầu tiên, nhóm chuyên gia thực hiện nghiên cứu thứ hai để tìm hiểu sâu hơn về quá trình bộ não tạo ra ngôn ngữ khi con người gõ chữ. Họ đã thu thập tới 1.000 ảnh chụp MEG mỗi giây trong lúc tình nguyện viên đánh máy các câu hoàn chỉnh. Dựa vào đó, nhóm nghiên cứu phân tích và giải mã được các giai đoạn khác nhau trong quá trình hình thành ngôn ngữ, từ lúc não bộ lên ý tưởng nội dung câu chữ đến khi tạo ra các biểu trưng về từ ngữ, âm tiết và cuối cùng là từng chữ cái.
Kết quả kết hợp từ hai nghiên cứu giúp mở ra triển vọng phát triển các thiết bị đeo hỗ trợ giao tiếp cho những người mất khả năng nói, mà không cần đến những can thiệp phẫu thuật như cấy ghép. Dù hiện tại hệ thống MEG vẫn còn khá cồng kềnh và đòi hỏi môi trường kiểm soát nghiêm ngặt trong phòng thí nghiệm nhưng với những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ, các thiết bị nhỏ gọn, dễ sử dụng hơn hoàn toàn có thể xuất hiện trong tương lai gần mang lại hy vọng mới cho nhiều bệnh nhân.