Duolingo chuyển sang mô hình “AI-first”, cắt giảm nhân sự và gây tranh cãi về tự động hóa

By Nhã Thanh

Duolingo – ứng dụng học ngôn ngữ hàng đầu thế giới đang đối mặt với làn sóng chỉ trích sau khi công bố chiến lược chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình “AI-first” (ưu tiên trí tuệ nhân tạo). Theo các báo cáo mới nhất từ AI News và Economic Times, công ty đã sa thải nhiều nhân viên hợp đồng trong thời gian gần đây, với lý do các công cụ AI đã có thể thay thế phần lớn công việc mà con người từng đảm nhiệm.

Trong bối cảnh bùng nổ của trí tuệ nhân tạo tổng quát (Generative AI), Duolingo đã tích cực tích hợp công nghệ này vào nền tảng của mình nhằm cải thiện trải nghiệm học tập, mở rộng nội dung và giảm chi phí. Theo đại diện công ty, AI hiện đang đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng bài học, sửa lỗi ngữ pháp, tạo phản hồi cá nhân hóa và thậm chí đảm nhiệm vai trò “giáo viên” ảo cho hàng triệu người dùng toàn cầu.

Ảnh: Mashable

Tuy nhiên, điều khiến cộng đồng mạng và nhiều chuyên gia giáo dục bức xúc chính là việc Duolingo đã âm thầm cắt giảm hàng loạt vị trí nhân sự là những người biên tập nội dung ngôn ngữ (language contractors). Những người này từng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và kiểm tra độ chính xác của các bài học.

Trả lời báo chí về thay đổi này, Giám đốc điều hành Luis von Ahn cho biết công ty “không cần nhiều biên tập viên nữa vì AI đã làm tốt phần lớn công việc”. Ông cũng tuyên bố Duolingo đang đầu tư mạnh mẽ để trở thành một “AI-first company”, hướng đến tương lai nơi trải nghiệm học tập được tự động hóa và mở rộng quy mô toàn cầu.

Phát ngôn của vị CEO nhanh chóng bị cộng đồng người dùng và giới quan sát chỉ trích là thiếu nhạy cảm, coi nhẹ giá trị của con người trong giáo dục. Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ lo ngại rằng Duolingo đang hy sinh chất lượng và nhân văn của việc học ngôn ngữ để chạy theo công nghệ và lợi nhuận.

Một số cựu nhân viên cũng lên tiếng rằng họ chỉ biết mình bị sa thải khi tài khoản nội bộ đột ngột bị khóa, cho thấy cách thức cắt giảm nhân sự thiếu minh bạch và thiếu tôn trọng.

Dù vậy, Duolingo khẳng định rằng AI sẽ giúp họ phát triển nhanh hơn và cung cấp trải nghiệm học tập tốt hơn. Trong thời gian qua, nền tảng này đã mở rộng hàng trăm khóa học mới nhờ vào khả năng tạo nội dung của AI, đồng thời tung ra các tính năng học tập tương tác như trò chuyện mô phỏng với nhân vật ảo, phản hồi theo thời gian thực…

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu AI có thể thực sự thay thế được sự sâu sắc, chính xác và linh hoạt mà các chuyên gia ngôn ngữ mang lại? Và nếu các ứng dụng học ngôn ngữ như Duolingo chạy theo hiệu quả chi phí mà bỏ quên yếu tố con người, thì người học liệu có được lợi thực sự?

Việc Duolingo chuyển hướng sang mô hình “AI-first” là một bước đi táo bạo, phản ánh xu thế chung của ngành công nghệ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là ngôn ngữ – vai trò của con người vẫn giữ vị trí then chốt. Duolingo có thể đã đặt cược lớn vào AI, nhưng câu hỏi về tính nhân văn và chất lượng học tập sẽ còn đeo bám họ trong thời gian dài sắp tới.