“Free Mahmoud”: Làn sóng ủng hộ Mahmoud Khalil lan rộng sau vụ bắt giữ gây tranh cãi

By Lê Quỳnh Duyên
Mahmoud Khalil
Ảnh: AP

Các luật sư của Mahmoud Khalil – nghiên cứu sinh tốt nghiệp tại Đại học Columbia – đã lên tiếng yêu cầu thả tự do cho thân chủ của mình khỏi trung tâm giam giữ nhập cư tại Louisiana. Họ gọi việc giam giữ Khalil là một hành động “phi lý kiểu Kafka” nhằm răn đe quyền tự do ngôn luận.

Trong phiên điều trần ngày thứ Sáu tại New Jersey, luật sư Baher Azmy cảnh báo: “Càng kéo dài, hiệu ứng răn đe càng mạnh. Ai cũng đang tự hỏi liệu mình có thể bị bắt chỉ vì phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ hay không”.

Chính phủ liên bang, đại diện bởi luật sư August Flentje, muốn vụ việc được xử lý tại Louisiana – nơi Khalil bị chuyển đến sau khi bị bắt tại New York – để đảm bảo “tính rõ ràng về thẩm quyền pháp lý”.

Thẩm phán Michael Farbiarz chưa đưa ra phán quyết cuối cùng, đồng thời từ chối xem xét yêu cầu tại ngoại cho đến khi xác định được thẩm quyền giải quyết chính thức.

Vợ đang mang thai, người biểu tình đòi tự do cho Khalil

Noor Abdallah – vợ của Khalil và là công dân Mỹ, đang mang thai và chuẩn bị sinh con trong tháng tới – đã có mặt tại phiên tòa cùng với hàng chục người ủng hộ. Bên ngoài tòa án, đám đông tụ tập hô vang “Free Mahmoud” và giơ cao những tấm biển có hình ảnh Khalil.

“Dù kết quả tại tòa thế nào, điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục tạo áp lực”, luật sư Ramzi Kassem phát biểu. “Chúng ta không thể để chính phủ này đàn áp quyền tự do phát biểu ý kiến”.

Không bị bắt tại hiện trường, nhưng vẫn bị nhắm đến

Khalil từng là người đàm phán đại diện cho nhóm sinh viên ủng hộ Palestine tại Columbia trong thời gian họ yêu cầu trường đại học chấm dứt hợp tác với các nhà tài trợ ủng hộ Israel. Dù không bị bắt trong các cuộc biểu tình hoặc chiếm đóng tòa nhà hành chính, Khalil vẫn bị chính quyền Trump cáo buộc “đe dọa lợi ích đối ngoại của Mỹ” và tìm cách trục xuất anh theo một điều luật hiếm khi được viện dẫn.

Theo chính phủ, vai trò nổi bật của Khalil trong các cuộc biểu tình là sự ủng hộ “phản Do Thái và thân Hamas” – một tổ chức bị Hoa Kỳ chỉ định là khủng bố. Khalil là người gốc Syria, có tư cách cư trú hợp pháp tại Mỹ.

Ngoài ra, chính phủ còn cáo buộc anh không khai báo đầy đủ thông tin về công việc trong hồ sơ nhập cư, bao gồm thời gian làm việc tại đại sứ quán Anh và thực tập với một cơ quan của Liên Hợp Quốc.

Chiến thuật “đưa đi khắp nơi” để gây khó dễ pháp lý?

Khalil bị bắt tại New York vào ngày 8/3, rồi lập tức bị chuyển đến New Jersey và sau đó nhanh chóng đưa đến trung tâm giam giữ ở Louisiana. Luật sư Azmy gọi đây là hành vi cố tình “đẩy đi vòng quanh” để làm khó việc khiếu kiện hợp pháp.

Ông cũng dẫn chứng một trường hợp tương tự: sinh viên Rumeysa Ozturk (Đại học Tufts) cũng bị bắt và chuyển đến Louisiana ngay trước khi luật sư có thể can thiệp.

Hiện tại, nhiều sinh viên và giảng viên tại các trường đại học trên toàn nước Mỹ đã bị bắt, thu hồi thị thực hoặc từ chối nhập cảnh vì tham gia biểu tình hoặc thể hiện quan điểm ủng hộ Palestine. Trong số đó có sinh viên đến từ Gambia, Ấn Độ, Liban và Hàn Quốc – nhiều người đã sinh sống tại Mỹ từ khi còn nhỏ.