Giá vàng thế giới hạ nhiệt sau khi lập kỷ lục 3.004 USD

By Trần Thanh Tùng

Sau khi chạm mốc 3.004 USD/ounce, giá vàng thế giới quay đầu giảm xuống còn 2.984 USD do nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động chốt lời. Đà tăng mạnh của kim loại quý từ đầu năm đến nay chủ yếu đến từ lo ngại về chính sách thương mại của Mỹ và sự suy yếu của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, khi giá chạm ngưỡng cao nhất lịch sử, nhiều nhà đầu tư quyết định bán ra để bảo toàn lợi nhuận khiến thị trường điều chỉnh giảm.

Bên cạnh đó, nhu cầu mua vàng từ các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Trung Quốc, tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá. Trung Quốc đã tăng cường dự trữ vàng suốt 4 tháng liên tiếp, trong khi nhiều quốc gia khác cũng tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng đôla Mỹ. Đồng thời, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất từ tháng 6 cũng góp phần giữ vàng ở mức giá cao. Các chuyên gia nhận định rằng, bất ổn địa chính trị, rủi ro kinh tế và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục tạo động lực cho vàng trong dài hạn.

Giá vàng đi xuống sau khi vượt mốc 3.000 USD. Đồ thị: Kitco

Giá vàng đi xuống sau khi vượt mốc 3.000 USD. Đồ thị: Kitco

Dự báo của Goldman Sachs cho thấy giá vàng có thể đạt 3.100-3.300 USD/ounce trong năm nay, đặc biệt nếu tình hình chính trị tại Mỹ tiếp tục biến động. Ngân hàng này nhận định rằng các ngân hàng trung ương có thể sẽ mua vàng với tốc độ cao hơn cả năm 2022, ngay cả khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hạ nhiệt.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chính đều tăng điểm trong phiên 14/3 khi lo ngại về thuế nhập khẩu được xoa dịu. DJIA tăng 1,65%, S&P 500 tăng 2,13% – mức tăng mạnh nhất trong 4 tháng, trong khi Nasdaq Composite cũng tăng 2,6%. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, phố Wall vẫn ghi nhận xu hướng giảm với DJIA mất 3,1% – mức giảm tệ nhất kể từ tháng 3/2023, còn S&P 500 và Nasdaq Composite giảm hơn 2%, đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp.