Ảnh: Associated Press
Hàng ngàn người đang tụ họp tại bang New Mexico, Mỹ để tham gia một lễ hội lớn tôn vinh các vũ công, nhạc sĩ và nghệ nhân bản địa từ khắp nơi trên thế giới.
Lễ hội Gathering of Nations – Tinh hoa văn hóa bản địa
Được tổ chức hàng năm, Gathering of Nations (Tụ hội các dân tộc bản địa) được xem là lễ hội powwow lớn nhất Bắc Mỹ. Sự kiện khai mạc vào thứ Sáu với một cuộc diễu hành đầy sắc màu, nơi các vũ công xoay tròn tiến vào trung tâm đấu trường tại khu hội chợ bang New Mexico. Họ mặc những bộ trang phục truyền thống tinh xảo, gắn chuông kêu leng keng và nhảy múa theo tiếng trống rộn ràng.
Sự kiện còn bao gồm lễ đăng quang “Hoa hậu Thế giới Bản địa” (Miss Indian World) và diễu hành ngựa, nơi người cưỡi được chấm điểm dựa trên kỹ năng điều khiển ngựa và sự tinh xảo trong trang phục gắn lông vũ hoặc đính cườm của họ.
Nguồn gốc của powwow
Powwow là một hình thức lễ hội tương đối hiện đại, bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ XIX, trong bối cảnh chính phủ Mỹ chiếm đất của các bộ tộc thổ dân ở các vùng đồng bằng phía Bắc và Nam. Các cuộc di cư cưỡng bức và biến động thời kỳ này đã tạo ra tình đoàn kết giữa các bộ tộc, dẫn đến việc chia sẻ các bài hát và điệu nhảy trong các buổi tụ họp giữa các cộng đồng khác nhau.
Từ “powwow” có nguồn gốc từ từ “pau wau” trong ngôn ngữ Algonquian Narrtick, có nghĩa là “thầy thuốc”. Tuy nhiên, người định cư châu Âu đã dùng từ này sai lệch để chỉ bất kỳ cuộc họp nào của người bản địa, rồi sau đó mở rộng thành các lễ hội chung.
Theo thời gian, các lễ hội powwow lớn như Gathering of Nations đã trở nên thương mại hóa hơn, với các cuộc thi nhảy múa và đánh trống có giải thưởng lớn nhằm giới thiệu văn hóa bản địa đến công chúng.
Ảnh: Native News Online
Kết nối lại với văn hóa tổ tiên
Ở các điệu nhảy truyền thống, người tham gia mặc trang phục truyền thống đặc trưng của bộ tộc mình. Trong khi đó, trang phục tại powwow hiện đại thường mang tính trình diễn nhiều hơn, với sequin lấp lánh, họa tiết nổi bật, nhằm gây ấn tượng với ban giám khảo.
Warren Queton, một nghị sĩ thuộc Bộ tộc Kiowa và giảng viên tại Đại học Oklahoma, chia sẻ rằng các điệu nhảy truyền thống gắn chặt với cộng đồng, bản sắc và giá trị văn hóa.
Ông cho rằng rất khó để phân biệt rõ giữa powwow thương mại và các nghi lễ truyền thống, trong khi thực tế chúng mang những ý nghĩa rất khác nhau trong văn hóa bản địa.
Hiện nay, nhiều bộ tộc đang đẩy mạnh các lễ hội powwow quy mô nhỏ tại địa phương, nhằm tạo cơ hội cho những người sống xa quê trở về đoàn tụ, kết nối với gia đình và truyền lại truyền thống cho thế hệ trẻ.
“Biết mình đến từ đâu, hiểu ngôn ngữ, truyền thống, giá trị – đó là điều chỉ có thể học được trong cộng đồng,” ông Queton nói. “Những điệu nhảy nhỏ đó rất quan trọng vì chúng truyền tải giá trị cộng đồng – đó là một phần của bản sắc của chúng tôi”.
Ghi lại năng lượng tích cực
Dù powwow hiện đại có yếu tố thi đấu, vẫn còn nhiều yếu tố truyền thống như: trang phục lông vũ, váy da thú, khăn choàng tua rua, mũ và đồ trang sức đính cườm, nhiều bộ trang phục được may thủ công trong nhiều tháng.
Họa sĩ Mateo Romero đến từ bộ tộc Cochiti Pueblo đã ghi lại hình ảnh sống động này trên tranh vẽ, khi hợp tác cùng Bưu điện Hoa Kỳ (USPS) để phát hành bộ tem về powwow, được giới thiệu chính thức tại lễ hội năm nay.
Một trong các tác phẩm của ông mô tả “múa khăn choàng” (fancy shawl dance) – một điệu nhảy với những cú xoay, bật, lắc, và nhún nhảy đầy cuốn hút. Từng tua rua trên khăn choàng chuyển động nhịp nhàng theo bước nhảy của vũ công.
Romero sử dụng màu sắc tươi sáng, các mảng sơn dày mỏng, nét mềm và cứng xen kẽ, kết hợp hình ảnh nhiếp ảnh để tạo nên những tác phẩm sống động như thật, tràn đầy năng lượng và cảm xúc.
“Tôi xem đây là cơ hội để thể hiện cảm xúc, sự rung động, vẻ đẹp của powwow”, Romero chia sẻ. “Đó là sức mạnh của văn hóa”.
Lễ hội Gathering of Nations không chỉ là một sự kiện văn hóa quy mô lớn mà còn là nơi để cộng đồng bản địa khẳng định bản sắc, chia sẻ truyền thống, đồng thời giới thiệu vẻ đẹp sống động và sâu sắc của văn hóa bản địa tới công chúng thế giới.