Lễ hội Kumbh Mela, sự kiện tắm tập thể lớn nhất hành tinh đang diễn ra tại Ấn Độ với quy mô khổng lồ, thu hút khoảng 400 triệu người tham gia trong sáu tuần lễ. Được tổ chức 12 năm một lần, lễ hội bắt đầu từ ngày 13/1 tại thành phố Prayagraj, bang Uttar Pradesh, nơi hợp lưu của ba con sông thiêng: Hằng, Yamuna và Saraswati. Sự kiện mang đậm màu sắc tâm linh và văn hóa Hindu với hàng triệu tín đồ ngâm mình trong dòng nước thiêng để thanh tẩy tội lỗi và tiến gần hơn đến sự giải thoát tinh thần.
Ảnh: Internet
Theo truyền thuyết Hindu, Kumbh Mela bắt nguồn từ cuộc chiến giữa thần linh và quỷ dữ để giành lấy bình chứa mật hoa bất tử. Trong trận chiến, bốn giọt mật rơi xuống trần gian, trong đó một giọt rơi tại Prayagraj, nơi diễn ra lễ hội chính. Ba giọt còn lại rơi xuống Nashik, Ujjain và Haridwar, những nơi tổ chức các lễ hội nhỏ hơn vào các năm khác. Sự kiện thu hút hàng ngàn sadhu – những nhà tu khổ hạnh bôi tro xám lên cơ thể đi bộ hàng tuần để đến lễ hội ban phước cho các tín đồ.
Công tác tổ chức lễ hội rất quy mô với khoảng 150.000 nhà vệ sinh, hệ thống bếp ăn phục vụ 50.000 người cùng lúc, 68.000 cột đèn LED chiếu sáng. Lực lượng an ninh làm việc ngày đêm để kiểm soát đám đông, trong đó hàng trăm camera AI và máy bay không người lái được sử dụng để giám sát. Dù vậy, thảm kịch vẫn xảy ra vào ngày 29/1, khi khoảng 100 triệu người chen chúc xuống tắm khiến 30 người thiệt mạng, 60 người bị thương do giẫm đạp.
Ảnh: Internet
Bất chấp sự cố, Kumbh Mela vẫn tiếp diễn với hàng triệu người tiếp tục tắm tại bờ sông Sangam. Lễ hội dự kiến kết thúc vào ngày 26/2 với nghi thức tắm cuối cùng. Được nhắc đến trong Kinh Vệ Đà hơn 3.000 năm trước và ghi chép bởi nhà sư Đường Huyền Trang, Kumbh Mela đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 2017.