Chính phủ Hoa Kỳ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ sớm nhất vào tháng 8 hoặc thậm chí ngay từ cuối tháng 5 nếu Quốc hội không hành động để nâng trần nợ. Đây là cảnh báo từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), một cơ quan phi đảng phái trong bối cảnh nợ công của Hoa Kỳ đã lên tới 36,6 nghìn tỷ USD. Dự báo này được đưa ra sau khi Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng cũng ước tính rằng Hoa Kỳ có thể chạm ngưỡng vỡ nợ trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến đầu tháng 10.
CBO cho biết thời điểm cụ thể mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ cạn kiệt nguồn lực, còn gọi là “ngày X” có thể rơi vào tháng 8 hoặc tháng 9. Tuy nhiên, nếu nhu cầu vay cao hơn dự báo, ngày này có thể đến sớm hơn, vào cuối tháng 5 hoặc tháng 6. Việc xác định chính xác ngày X rất khó khăn do phụ thuộc vào dòng thu và chi của chính phủ trong những tháng tới. Một số mốc quan trọng ảnh hưởng đến ngân sách bao gồm thời hạn nộp thuế vào ngày 15 tháng 4, giữa tháng 6 và các biện pháp đặc biệt được triển khai vào cuối tháng 6.
Ảnh: Reuters
Nếu Quốc hội không thông qua việc nâng trần nợ, chính phủ Hoa Kỳ sẽ không thể đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, dẫn đến việc trì hoãn thanh toán hoặc rơi vào tình trạng vỡ nợ. Đây là một viễn cảnh nghiêm trọng có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu. Trong quá khứ, các cuộc đàm phán về trần nợ thường kéo dài đến phút cuối, gây ra sự bất ổn trên thị trường và thậm chí dẫn đến việc hạ xếp hạng tín nhiệm của Hoa Kỳ.
Mặc dù đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện, họ vẫn chưa đưa ra kế hoạch cụ thể về việc nâng trần nợ. Việc chậm trễ trong các cuộc đàm phán có thể làm gia tăng rủi ro tài chính khiến nền kinh tế Mỹ đối mặt với những bất ổn lớn nếu không có giải pháp kịp thời.