Tổng thống Donald Trump đã tạm dừng việc áp thuế – dao động từ 11-50% – đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Ngày 9/4 ông Trump giảm thuế đối ứng về mức cơ sở 10% cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ bị áp thuế này để tạo điều kiện cho đàm phán thương mại trong vòng 90 ngày. Các nhà đầu tư tạm thời thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, những sự kiện gần đây cho thấy ông Trump rất nghiêm túc trong việc ưu tiên lợi ích chính trị của mình, ngay cả khi điều đó gây bất lợi cho Phố Wall (tức giới tài chính). Chính quyền của ông cũng cam kết sẽ giảm thâm hụt thương mại và tài khóa của nước Mỹ. Những chính sách này được cho là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế “bong bóng” của Mỹ. Như Nhật Bản đã từng trải qua ba thập kỷ trước, việc thoát khỏi một nền kinh tế bong bóng không hề dễ dàng.
Ảnh: Juliannafunk/Getty Images
Nền kinh tế bong bóng là gì?
Nền kinh tế bong bóng là khi khu vực tài chính phát triển quá mạnh, lấn át khu vực sản xuất thực tế. Giá tài sản (như cổ phiếu, bất động sản) tăng vọt và không còn phản ánh đúng giá trị thực tế. Các công ty tập trung vào tối đa hóa lợi nhuận tài chính thay vì mở rộng thị phần. Khi giá tài sản tăng cao, người dân và doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc vào lợi nhuận từ đầu cơ thay vì tiết kiệm thật sự. Nền kinh tế bong bóng tồn tại nhờ vào việc vay nợ liên tục, chủ yếu là để phục vụ mục đích tài chính chứ không phải đầu tư vào sản xuất. Việc vay nợ cũng giúp các doanh nghiệp tăng lợi nhuận.
Hoa Kỳ hiện đang mang đầy đủ đặc điểm của nền kinh tế bong bóng. Từ năm 1945 đến nay, tỷ trọng của ngành tài chính, bảo hiểm và bất động sản trong GDP đã tăng gấp đôi, trong khi ngành sản xuất giảm hơn một nửa. Gần đây, giá cổ phiếu ở Mỹ luôn ở mức cao kỷ lục. Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của các hộ gia đình Mỹ tương đương 5,7 lần GDP – cao hơn nhiều so với mức trung bình trong lịch sử. Mức tiết kiệm của người dân chỉ bằng khoảng một nửa so với mức trung bình. Tổng số nợ (bao gồm nợ tư nhân, nợ công và nợ tài chính) đã vượt 100.000 tỷ USD, gấp hơn ba lần thu nhập quốc dân. Doanh nghiệp và các quỹ đầu tư chi hàng nghìn tỷ đô la để mua lại cổ phiếu và thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập bằng nợ, nhưng lại ít đầu tư vào sản xuất.
Dòng tiền từ nước ngoài giúp giữ nền kinh tế bong bóng
Dòng vốn đầu tư từ nước ngoài là yếu tố giúp duy trì nền kinh tế bong bóng của Mỹ. Theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, hiện người nước ngoài đang nắm giữ tới 57.000 tỷ USD tài sản tài chính của Mỹ. Việc họ mua trái phiếu và cổ phiếu Mỹ đã giúp lãi suất trái phiếu giảm và giá cổ phiếu tăng. Những dòng vốn này cũng góp phần giúp chính phủ Mỹ chi tiêu mạnh mẽ, tạo ra thâm hụt ngân sách lớn. Nhưng chính thâm hụt đó lại thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, gián tiếp làm tăng lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ.
Tuy nhiên, nền kinh tế bong bóng này lại không bền vững về mặt chính trị. Lợi ích từ tài chính chủ yếu rơi vào tay nhóm giàu có. Tài sản của các hộ gia đình đang ở mức cao kỷ lục, nhưng 10% người giàu nhất nắm tới 88% cổ phiếu Mỹ, trong khi 50% dân số nghèo nhất lại ngập trong nợ nần. Nền kinh tế “tài chính hóa cao” như vậy không tạo ra nhiều cơ hội tăng lương cho người lao động. Việc chuyển việc sản xuất ra nước ngoài giúp tăng lợi nhuận doanh nghiệp, nhưng lại làm thiệt hại công nhân Mỹ.
Bức tranh tương lai: Mong manh và rủi ro
Nền kinh tế bong bóng về bản chất rất dễ sụp đổ. Không thể vay nợ mãi mãi mà thu nhập không tăng. Một lúc nào đó, chính phủ sẽ buộc phải cắt giảm chi tiêu, nếu không nước Mỹ sẽ rơi vào khủng hoảng. Theo ông Scott Bessent – Bộ trưởng Tài chính – Mỹ hiện đang “nghiện” chi tiêu công, và cần một “giai đoạn cai nghiện”. Còn ông Stephen Miran – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế – cho rằng dòng vốn nước ngoài đổ vào Mỹ khiến đồng USD luôn bị định giá quá cao, làm giảm khả năng cạnh tranh và dẫn đến thâm hụt thương mại lớn. Việc áp thuế nhập khẩu được coi là biện pháp để khắc phục điều này.
Dù ông Trump và các cố vấn kinh tế không công khai nói rằng họ đang cố “xì hơi bong bóng”, nhưng các hành động của họ lại cho thấy điều đó. Theo ông Julien Garran từ công ty MacroStrategy Partnership, nếu Trump thực sự muốn cải thiện đời sống cho người lao động thì phải đảo ngược các chính sách trong nhiều thập kỷ qua – những chính sách vốn luôn ưu ái giới tài chính.
Tỷ lệ thu nhập của người lao động trong tổng thu nhập quốc dân sẽ phải tăng, đồng nghĩa với việc lợi nhuận doanh nghiệp giảm. Cắt giảm chi tiêu chính phủ cũng làm lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống. Việc đánh thuế nhập khẩu và buộc doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ làm tăng chi phí. Nếu lợi nhuận doanh nghiệp giảm, thị trường chứng khoán – vốn đang được định giá rất cao – có thể sẽ giảm mạnh. Khi người dân không còn lời từ đầu tư, họ sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn, làm giảm chi tiêu và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Một vòng xoáy suy thoái có thể thay thế cho vòng xoáy tăng trưởng trước đó.
Ảnh: Evan Vucci/AP Photo
Ông Richard Duncan từ MacroWatch cảnh báo rằng nếu dòng vốn từ nước ngoài vào Mỹ giảm, lãi suất dài hạn có thể sẽ tăng mạnh. Ông cũng lo ngại về khả năng xảy ra “làn sóng tháo chạy” khỏi đồng USD nếu nhà đầu tư nước ngoài bán tháo tài sản Mỹ.
Việc Mỹ là nước phát hành đồng tiền dự trữ toàn cầu giúp nước này có thể duy trì thâm hụt thương mại và ngân sách lớn mà vẫn giữ được niềm tin từ thị trường. Tuy nhiên, trong tuần qua, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng vọt, làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền Trump có thể gặp phải “thời điểm như Liz Truss” – cựu Thủ tướng Anh bị thị trường “phản ứng” mạnh vì kế hoạch chi tiêu quá mức năm 2022.
Bessent kỳ vọng Mỹ sẽ “chuyển mình êm ái” sang chính sách ưu tiên người lao động thay vì nhà đầu tư tài chính. Nhưng những biến động trên thị trường gần đây lại cho thấy quá trình này có thể đầy chông gai. Kinh nghiệm từ Nhật Bản là một lời cảnh báo.
Cuối thập niên 1980, giá bất động sản và cổ phiếu Nhật Bản tăng chóng mặt. Nợ nần cũng tăng mạnh, lợi nhuận doanh nghiệp phần lớn đến từ các chiêu trò tài chính. Sau đó, Ngân hàng Trung ương Nhật tăng lãi suất để “làm xì bong bóng”. Một quan chức Nhật nói với báo Washington Post rằng “kinh tế thật sẽ không bị ảnh hưởng, chỉ có tài sản ảo mới biến mất”. Nhưng đó là suy nghĩ quá lạc quan. Nhật Bản sau đó rơi vào khủng hoảng ngân hàng và hai thập kỷ tăng trưởng chậm.
Đầu năm nay, thị trường chứng khoán Mỹ chiếm 64,4% tổng giá trị thị trường toàn cầu – trùng hợp với mức mà Nhật Bản từng đạt được vào năm 1988. Sau đó, thị phần của Nhật giảm hơn hai phần ba trong một thập kỷ. Các nhà đầu tư Mỹ nên xem đây là lời cảnh báo.