Microsoft và tầm nhìn về “AI có trí nhớ”: Khi các tác nhân thông minh bắt đầu hợp tác như con người

By Nhã Thanh

Trong bối cảnh cuộc đua trí tuệ nhân tạo đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, Microsoft đang đặt cược lớn vào một hướng đi mới: xây dựng các “AI agent” – những tác nhân thông minh có khả năng làm việc cùng nhau và ghi nhớ những gì người dùng đã yêu cầu. Đây không chỉ là một bước tiến kỹ thuật, mà còn là một nỗ lực định hình lại cách con người tương tác với máy móc trong tương lai gần.

Theo Kevin Scott – Giám đốc Công nghệ của Microsoft cho biết các AI agent mà công ty đang phát triển không đơn thuần là chatbot như Copilot hay ChatGPT, mà là những hệ thống có thể tự động thực hiện các tác vụ cụ thể như sửa lỗi phần mềm, phân tích dữ liệu, hoặc phối hợp với các agent khác để hoàn thành một chuỗi công việc phức tạp. Điều đặc biệt là Microsoft không muốn các agent này hoạt động đơn lẻ, mà hướng tới một “mạng lưới tác nhân” – nơi các hệ thống AI từ nhiều nhà phát triển khác nhau có thể tương tác, chia sẻ thông tin và phối hợp hành động. 

Ảnh: The Business Times

Để hiện thực hóa điều này, Microsoft đang hỗ trợ một giao thức mã nguồn mở có tên Model Context Protocol (MCP) – do Anthropic (được Google hậu thuẫn) phát triển. MCP được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tương tự như giao thức HTTP trong thời kỳ đầu của Internet: tạo ra một “web tác nhân” (agentic web) nơi các AI có thể giao tiếp và làm việc cùng nhau một cách tiêu chuẩn hóa.

Một trong những điểm yếu lớn nhất của các hệ thống AI hiện nay là tính “phi ngữ cảnh” – chúng thường quên ngay những gì người dùng vừa nói hoặc làm. Microsoft muốn thay đổi điều đó bằng cách phát triển khả năng ghi nhớ dài hạn cho các AI agent. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản: lưu trữ và xử lý thông tin lịch sử đòi hỏi chi phí tính toán rất lớn.

Để giải quyết bài toán này, Microsoft đang thử nghiệm một phương pháp gọi là structured retrieval augmentation – trong đó AI sẽ trích xuất những phần thông tin quan trọng từ mỗi lượt tương tác và xây dựng một “bản đồ ngữ cảnh” giúp hệ thống hiểu rõ hơn về người dùng theo thời gian. Đây là cách tiếp cận gần với cách bộ não con người học hỏi và ghi nhớ không phải bằng cách lưu trữ mọi thứ, mà bằng cách chọn lọc và tổ chức thông tin một cách có hệ thống. 

Nếu thành công, chiến lược này có thể mở ra một kỷ nguyên mới cho AI: nơi mỗi người dùng có một “trợ lý số” thực sự hiểu họ, nhớ những gì họ đã làm, và có thể phối hợp với các hệ thống khác để hoàn thành công việc một cách liền mạch. Điều này không chỉ giúp tăng hiệu suất cá nhân, mà còn có thể thay đổi cách doanh nghiệp vận hành – từ chăm sóc khách hàng, quản lý quy trình đến phát triển phần mềm.

Tuy nhiên, đi kèm với tiềm năng là những thách thức không nhỏ: quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu, và khả năng kiểm soát hành vi của các AI agent trong môi trường mở. Microsoft sẽ phải chứng minh rằng họ có thể xây dựng một hệ sinh thái AI vừa mạnh mẽ, vừa đáng tin cậy – điều mà không phải công ty công nghệ nào cũng làm được.