Pakistan tuyên bố sử dụng tiêm kích J-10C do Trung Quốc sản xuất trong cuộc không chiến với Ấn Độ

By Hương Giang

Ngày 7/5, chính phủ Pakistan tuyên bố đã sử dụng tiêm kích J-10C do Trung Quốc sản xuất để bắn hạ năm máy bay chiến đấu của Ấn Độ, trong đó có ba chiếc Rafale, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực Kashmir. Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên tiêm kích J-10C ghi nhận chiến công không đối không trong thực chiến, đồng thời đánh dấu tổn thất đầu tiên của Rafale trong xung đột quân sự.

Ảnh: AFP 

Phát biểu trước quốc hội, Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar cho biết: “Các tiêm kích của chúng ta đã bắn hạ ba chiếc Rafale của Ấn Độ. Máy bay của chúng ta là J-10C, tất cả đều là tiêm kích hợp tác với Trung Quốc.” 

Ấn Độ hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về tuyên bố này. Tuy nhiên, các nguồn tin quốc tế cho biết, Ấn Độ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu bị cáo buộc là cơ sở khủng bố tại Pakistan, sau vụ tấn công khiến 26 du khách Ấn Độ thiệt mạng ở Kashmir vào tháng trước. Pakistan gọi hành động này là “hành động chiến tranh” và cam kết sẽ đáp trả tương xứng.

Tiêm kích J-10C là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4.5 do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Thành Đô (Trung Quốc) chế tạo, được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) và tên lửa không đối không tầm xa PL-15. Pakistan đã chính thức tiếp nhận lô J-10C đầu tiên vào năm 2022, trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng với Trung Quốc nhằm đối trọng với việc Ấn Độ mua sắm tiêm kích Rafale từ Pháp.

Các nhà phân tích cho rằng, việc J-10C được sử dụng trong không chiến với Ấn Độ không chỉ thể hiện sự nâng cấp năng lực tác chiến của Không quân Pakistan, mà còn cho thấy vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trong việc hỗ trợ quân sự cho Islamabad. Nếu thông tin về việc bắn hạ Rafale được xác nhận, đây sẽ là bước ngoặt trong cán cân sức mạnh không quân giữa hai quốc gia Nam Á.

Tình hình căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục gia tăng, với các cuộc giao tranh dọc Đường kiểm soát (LoC) và những lời đe dọa trả đũa từ cả hai phía. Cộng đồng quốc tế, bao gồm Trung Quốc, Nga và Liên Hợp Quốc, đã kêu gọi hai bên kiềm chế và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại nhằm tránh nguy cơ xung đột toàn diện giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.