Quân đội Mỹ lần đầu tiên triển khai bệ phóng tên lửa chống hạm trên đảo Batan, Philippines. Các binh sĩ Thủy quân lục chiến Mỹ đã chuyển hệ thống vũ khí chính xác cao này tới điểm cực Bắc của quần đảo Philippines, chỉ cách Đài Loan một đường biển.
Ảnh: Aaron Favila/AP Photo
Tại tỉnh Zambales, nơi đối diện với vùng biển tranh chấp Biển Đông, lực lượng Mỹ và Philippines cũng đã đồng loạt khai hỏa tên lửa và pháo binh, bắn hạ nhiều thiết bị bay không người lái giả định là máy bay địch trong các cuộc tập trận bắn đạn thật hôm Chủ nhật vừa rồi.
Những kịch bản chiến đấu giả lập này là một phần của cuộc tập trận thường niên mang tên Balikatan giữa Mỹ và đồng minh lâu đời nhất của Mỹ tại châu Á – Philippines. Các cuộc tập trận không chỉ mô phỏng chiến tranh thực tế, mà còn diễn ra gần những điểm nóng địa chính trị nhạy cảm – nơi đang là tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng khu vực giữa Trung Quốc và Mỹ dưới thời các tổng thống Joe Biden và Donald Trump.
Khoảng 9.000 binh sĩ Mỹ và 5.000 binh sĩ Philippines tham gia các hoạt động tác chiến lần này. Ngoài ra còn có khoảng 260 quân nhân Australia và các nhóm quan sát nhỏ đến từ Nhật Bản và một số nước khác.
Trung Quốc đã phản đối gay gắt các cuộc tập trận này, cho rằng chúng mang tính khiêu khích. Trước đó vài ngày, nhóm tàu sân bay của Trung Quốc đã đi ngang qua khu vực gần Batanes – nơi quân đội Mỹ vừa triển khai hệ thống tên lửa chống hạm NMESIS, gần eo biển Bashi, nằm ngay phía nam Đài Loan. Đây là tuyến đường giao thương và quân sự quan trọng mà cả quân đội Mỹ và Trung Quốc đều muốn kiểm soát.
“Tăng cường sự hiện diện của NMESIS trong chuỗi đảo đầu tiên nhằm mục đích kiểm soát và ngăn chặn các hoạt động trên biển là một bước tiến trong kế hoạch phát triển lực lượng của chúng tôi”, Trung tướng Thủy quân lục chiến Mỹ Michael Cederholm nói.
Ông Cederholm nhấn mạnh: “Chúng tôi không tập luyện cho một kế hoạch chiến tranh. Chúng tôi đang tập luyện để bảo vệ Philippines”.
Mỹ và Philippines đều phủ nhận việc các cuộc tập trận lần này – vốn mô phỏng một “kịch bản chiến tranh toàn diện” – nhằm vào Trung Quốc hay bất kỳ đối thủ nào. Tuy nhiên, ranh giới giữa tập trận giả lập và động thái thực tế đôi khi khá mờ nhạt.
Khi được hỏi liệu Mỹ có rút hệ thống tên lửa khỏi Batanes sau khi kết thúc tập trận hay không, ông Cederholm trả lời mơ hồ: “Chúng tôi không công khai việc đến, rời đi hay lưu lại bao lâu. Điều duy nhất tôi có thể nói là chúng tôi có mặt ở đây theo lời mời và với sự ủng hộ của chính phủ Philippines”. Và ông nhấn mạnh: “Tôi rất vui khi hệ thống này có mặt ở đây”.
Trước đó, Trung Quốc cũng nhiều lần bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm trung tại Philippines trong các cuộc tập trận chung năm ngoái.
Ảnh: Aaron Favila/AP Photo
Vào tháng 1 năm nay, một bệ phóng tên lửa của quân đội Mỹ – được trang bị ít nhất 16 tên lửa Standard Missile-6 và Tomahawk Land Attack – đã được di chuyển từ sân bay quốc tế ở thành phố Laoag (miền Bắc Philippines) đến khu vực ven biển Tây Bắc, đối diện với bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc từng nhiều lần sử dụng vòi rồng và các biện pháp nguy hiểm để chặn tàu tuần tra của Philippines.
Tên lửa Tomahawk có tầm bắn hơn 1.600 km, đủ sức tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Trung Quốc.
Trong thời gian từ 21/4 đến 9/5, quân đội Mỹ và Philippines sẽ tiếp tục diễn tập bảo vệ các đảo của Philippines, chống lại các lực lượng giả định tấn công từ biển tại tỉnh Palawan (hướng ra Biển Đông) và tỉnh Cagayan (gần Batanes, phía Bắc).
Chuẩn tướng Michael Logico của Philippines cho rằng cuộc tập trận lần này đóng vai trò rất quan trọng trong việc củng cố khả năng răn đe tại eo biển Bashi. “Một khu vực hòa bình chỉ có thể được duy trì khi có sự cân bằng lực lượng thích hợp giữa các bên đối đầu, cho đến khi cả hai bên nhận ra rằng xung đột sẽ không mang lại lợi ích gì”, ông Logico nói.
Đầu tháng này, quân đội Trung Quốc cũng tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn xung quanh Đài Loan và một lần nữa cảnh báo Đài Loan không nên tìm cách đòi độc lập.
Trước đây, Philippines từng là nơi đặt hai căn cứ quân sự lớn nhất của Hải quân và Không quân Mỹ ngoài lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, các căn cứ này đã đóng cửa vào đầu những năm 1990 sau khi Thượng viện Philippines từ chối gia hạn thỏa thuận. Dù vậy, quân đội Mỹ đã trở lại Philippines thông qua thỏa thuận năm 1999 để tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn cùng quân đội nước này.
Ông Cederholm nhắc đến nghĩa trang Mỹ rộng lớn ở Manila, nơi an nghỉ của hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ và trinh sát Philippines như một bằng chứng cho cam kết lâu dài của Washington trong việc bảo vệ Philippines.“Chúng tôi rất coi trọng các nghĩa vụ hiệp ước của mình”, ông nói.