Ảnh: iStock
Một sáng kiến mới đã được khởi động vào thứ Năm nhằm giúp các cộng đồng ven biển hưởng lợi từ việc bảo vệ ít nhất 30% diện tích đại dương toàn cầu trước cuối thập kỷ này.
Sáng kiến mang tên Hồi sinh đại dương (Revive Our Ocean), do tổ chức phi chính phủ Dynamic Planet phối hợp cùng chương trình Pristine Seas của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic Society) dẫn dắt. Sáng kiến sẽ hỗ trợ các cộng đồng địa phương trong việc thành lập các khu bảo tồn biển ở vùng nước ven bờ.
Giai đoạn đầu, sáng kiến sẽ tập trung giải quyết tình trạng đánh bắt quá mức và tác động của biến đổi khí hậu đối với đại dương tại các nước: Anh, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Philippines và Indonesia.
“Kẻ thù lớn nhất của nghề cá chính là đánh bắt quá mức”, ông Enric Sala, giám đốc điều hành chương trình Pristine Seas, nhấn mạnh.
Các nhà tổ chức sáng kiến cho biết việc thành lập các khu bảo tồn biển không chỉ bảo vệ thiên nhiên mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Họ dẫn chứng một nghiên cứu cho thấy khu bảo tồn biển giúp sản lượng thủy sản phục hồi và đồng thời thúc đẩy ngành du lịch.
“Bảo vệ biển cũng là một cách làm ăn hiệu quả”, bà Kristin Rechberger, người sáng lập sáng kiến Hồi sinh đại dương, cho biết.
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng tốc độ thành lập các khu bảo tồn hiện nay quá chậm. Theo tính toán, thế giới cần thành lập hơn 190.000 khu bảo tồn biển mới để đạt mục tiêu “30 by 30” – tức đưa 30% diện tích đại dương toàn cầu vào diện bảo vệ chính thức trước năm 2030.
“Hồi sinh sự sống đại dương cũng đồng nghĩa với hồi sinh kinh tế và cộng đồng địa phương. Đã đến lúc cả thế giới công nhận rằng các khu bảo tồn biển chính là nền tảng cho nền kinh tế xanh trên biển”, bà Rechberger nhấn mạnh.
Hiện các quốc gia đang họp tại New York trong tuần này để thảo luận cách thức thực hiện và tài trợ cho một hiệp ước toàn cầu được ký vào năm 2023 nhằm bảo vệ đa dạng sinh học đại dương. Hiệp ước này sẽ chính thức có hiệu lực sau khi được 60 chính phủ phê chuẩn.
Mặc dù đã có hơn 100 quốc gia ký kết hiệp ước, mới chỉ có 21 nước chính thức phê chuẩn. Dự kiến sẽ có thêm nhiều quốc gia phê chuẩn trước Hội nghị Đại dương của Liên Hợp Quốc, dự kiến diễn ra tại Pháp vào tháng 6 năm 2025.
“Hiện nay, các quốc gia đang nỗ lực hết sức để đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn hiệp ước ở nhiều nơi”, bà Rebecca Hubbard, giám đốc Liên minh Đại dương Khơi (High Seas Alliance), một liên minh các tổ chức môi trường, cho biết.
Các nhóm bảo vệ môi trường cảnh báo rằng hiệp ước cần được đưa vào thực thi ngay trong năm nay nếu thế giới muốn kịp thời đạt được mục tiêu đề ra. Hiện tại, mới chỉ khoảng 8% diện tích đại dương – tương đương 29 triệu km² – được bảo vệ.