Sự thật kinh hoàng sau lời mời gọi công việc béo bở ở Đông Nam Á

By Trần Thanh Tùng

Hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đã bị lừa vào làm việc trong các trung tâm lừa đảo ở Đông Nam Á với lời hứa “việc nhẹ lương cao”. Thực tế, họ phải chịu đựng tra tấn dã man, bao gồm đòn roi và chích điện như câu chuyện của Seye, một nạn nhân 27 tuổi người Ethiopia đã bị tra tấn liên tục trong suốt 9 tháng. Nhóm 260 người, phần lớn là người Ethiopia đã được một nhóm phiến quân Myanmar giải thoát và đưa qua biên giới Thái Lan. Những người này kể lại rằng họ bị mắc kẹt trong một khu phức hợp lừa đảo khét tiếng ở biên giới Myanmar – Thái Lan, nơi họ bị buộc phải lừa tiền từ các nạn nhân trên toàn thế giới.

Những người được cho là nạn nhân của các trung tâm lừa đảo chờ ở biên giới Myanmar để vào Thái Lan hôm 12/2. Ảnh: AFP

Các trung tâm lừa đảo này chủ yếu hoạt động ở các khu vực biên giới khó kiểm soát, đặc biệt là dọc biên giới Thái Lan – Myanmar. Những kẻ điều hành lợi dụng các ngành công nghiệp bất hợp pháp như lừa tình, cờ bạc online và đầu tư giả mạo để tạo ra nguồn thu lên tới 63,9 tỷ USD mỗi năm. Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 120.000 người ở Myanmar và 100.000 người ở Campuchia có thể đang bị ép buộc làm việc trong các trung tâm lừa đảo này. Các nạn nhân đến từ nhiều quốc gia từ châu Á, châu Phi, Trung Đông đến Nam Mỹ, bao gồm Trung Quốc, Brazil, Malaysia, Pakistan và Ethiopia.

Những câu chuyện về sự ngược đãi tràn ngập nỗi đau và sợ hãi. Shazab, 24 tuổi, người Pakistan đã bị đánh đập, chích điện và bán từ nhóm lừa đảo này sang nhóm khác. Salman, một nạn nhân khác kể rằng họ bị trừng phạt như động vật, không cần lý do. Các nạn nhân phải làm việc hơn 15 tiếng mỗi ngày, không được trả lương và bị ép đạt chỉ tiêu lừa đảo 10.000 USD mỗi ngày. Nếu không đạt, họ sẽ bị tra tấn, nhốt trong phòng tối hoặc phải thực hiện động tác thể lực cực đoan. Những kẻ hành hạ họ được cho là người Trung Quốc, sử dụng phiên dịch viên để giao tiếp.

Những vết thương trên thân thể của một nạn nhân của trung tâm lừa đảo mà người này nói là do roi điện gây ra. Ảnh: Guardian

Những vết thương trên thân thể một nạn nhân của trung tâm lừa đảo mà người này nói là do roi điện gây ra. Ảnh: Guardian

Chính quyền các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan và Trung Quốc đang nỗ lực trấn áp các trung tâm lừa đảo này. Thái Lan đã cắt Internet, điện và nhiên liệu tới các khu vực nghi ngờ và giải cứu hàng nghìn nạn nhân. Trung Quốc cũng gia tăng áp lực, đặc biệt sau vụ bắt cóc diễn viên Vương Tinh. Tuy nhiên, giới chức Thái Lan cảnh báo cần phân biệt giữa những nạn nhân thật sự và những người tự nguyện tham gia vào các mạng lưới tội phạm vì mong muốn kiếm tiền bất chính.