Nguy cơ các thiết bị gia dụng thông minh trở thành “xác sống” phục vụ hacker ngày càng gia tăng, khiến người dùng cần cân nhắc ngắt kết nối chúng đúng thời điểm.
Khi các thiết bị gia dụng kết nối Internet như TV, tủ lạnh, máy giặt… trở nên lạc hậu và không còn được cập nhật bảo mật, chúng có thể trở thành “zombie” (xác sống) và trở thành công cụ cho các cuộc tấn công mạng. Theo nghiên cứu của Consumer Reports, hầu hết người dùng không nhận thức được những rủi ro này.
Trong ngành công nghệ, thuật ngữ “zombie” chỉ những thiết bị kết nối Internet bị hacker chiếm quyền sử dụng thông qua virus hoặc phần mềm độc hại. Những thiết bị này có thể bị điều khiển để tham gia vào các mạng botnet phục vụ những hoạt động như phát tán email rác và tấn công DDoS vào máy chủ web.
Phần lớn nạn nhân không biết thiết bị của mình đã bị chiếm quyền. Tuổi đời của các thiết bị nhà thông minh càng cao, số lượng thiết bị không được cập nhật bảo mật cũng tăng theo, làm gia tăng rủi ro an ninh mạng.
Hầu hết các thiết bị gia dụng thông minh có thể thực hiện chức năng chính mà không cần kết nối Internet, vì vậy giải pháp đơn giản khi chúng không còn được cập nhật bảo mật là ngắt kết nối Wi-Fi và sử dụng như một thiết bị gia dụng bình thường. Tuy nhiên, một số thiết bị như router Wi-Fi và loa thông minh không thể hoạt động nếu không có Internet, do đó các chuyên gia khuyến cáo nên ngừng sử dụng chúng khi chúng không còn nhận được bản cập nhật bảo mật.
Theo khảo sát của Consumer Reports, hơn 40% trong số 2.130 người Mỹ được hỏi không biết rằng thiết bị có thể mất hỗ trợ phần mềm. Gần 70% tin rằng các thiết bị thông minh như tủ lạnh, máy giặt và lò nướng vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả khi không còn được hỗ trợ.
Về lý thuyết, các công ty cần công khai thời gian hỗ trợ sản phẩm và cảnh báo người dùng khi thiết bị không còn an toàn. Trong khi các nhà sản xuất smartphone và PC đã thực hiện tốt nhiệm vụ này, rất ít hãng sản xuất thiết bị gia dụng đề cập đến thông tin này cho khách hàng.
Khảo sát cũng cho thấy chưa đến 40% số người được hỏi biết rằng thiết bị của họ đã bị dừng hỗ trợ do thông báo từ nhà sản xuất. Phần còn lại chỉ biết qua truyền thông hoặc nhận thấy hệ thống hoạt động kém ổn định. Tuy nhiên, một số công ty như Amazon, Google và Signify (nhà sản xuất hệ thống chiếu sáng Philips Hue) đang nỗ lực minh bạch hơn về vấn đề này.
Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến vòng đời thiết bị gia dụng khi mua hàng, cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong tư duy. Theo Consumer Reports, 70% người được khảo sát tin rằng các nhà sản xuất nên công bố thời gian hỗ trợ phần mềm cho sản phẩm của họ. Việc nắm rõ ngày ngừng cập nhật bảo mật giúp họ hiểu rõ hơn về lợi ích và rủi ro khi sở hữu thiết bị IoT.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng thực hiện điều này. Một số công ty nhỏ gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch hỗ trợ sản phẩm kéo dài nhiều năm, trong khi một số hãng lo ngại rằng khách hàng sẽ không mua thiết bị nếu biết về “ngày hết hạn”.
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã chú ý đến vấn đề này. Năm 2024, FTC công bố báo cáo cho thấy 90% thiết bị kết nối mà họ khảo sát không cung cấp thông tin về thời gian hỗ trợ phần mềm, đồng thời nhận định rằng việc này có thể vi phạm luật liên bang.
Một giải pháp tiềm năng đến từ chương trình Cyber Trust Mark do Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) khởi động vào tháng 1/2024. Chứng nhận này có thể truy cập thông qua mã QR trên bao bì sản phẩm hoặc đường link, cung cấp thông tin về bảo mật sản phẩm, bao gồm “ngày kết thúc thời gian hỗ trợ tối thiểu”.
Dữ liệu này sẽ được nhà sản xuất cập nhật dễ dàng, linh hoạt hơn so với việc in cố định ngày hết hạn trên sản phẩm. Tuy nhiên, chương trình này vẫn mang tính tự nguyện và chưa có chế tài buộc các hãng sản xuất thiết bị phải tuân thủ.