Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba đã ký lệnh điều tra khả năng áp thuế mới đối với tất cả các khoáng sản quan trọng nhập khẩu vào Mỹ. Đây là một động thái leo thang trong cuộc đối đầu thương mại giữa Trump và các đối tác toàn cầu, đồng thời là nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc – quốc gia đang dẫn đầu thế giới trong ngành này.
Ảnh: Andrew Harnik/Getty Images
Lệnh điều tra phản ánh rõ những gì mà các nhà sản xuất, chuyên gia, học giả và nhiều người khác đã cảnh báo từ lâu: nước Mỹ đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và một số quốc gia khác trong việc chế biến các loại khoáng sản thiết yếu – những nguyên liệu đóng vai trò sống còn cho nền kinh tế Mỹ.
Ví dụ, Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu đối với 30 trong số 50 loại khoáng sản được Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) xếp vào danh sách “khoáng sản quan trọng”. Gần đây, Trung Quốc cũng đã bắt đầu siết chặt việc xuất khẩu các nguyên liệu này.
Ông Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick khởi động một cuộc điều tra an ninh quốc gia theo Điều 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962. Đây cũng là đạo luật mà ông Trump từng sử dụng trong nhiệm kỳ đầu để áp thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu toàn cầu, và mới đây nhất là để điều tra khả năng áp thuế đối với đồng.
Trong sắc lệnh, ông Trump nhấn mạnh việc phụ thuộc vào nhập khẩu khoáng sản “làm tăng nguy cơ đối với an ninh quốc gia, khả năng sẵn sàng quốc phòng, sự ổn định giá cả và sự thịnh vượng kinh tế của nước Mỹ”.
Cuộc điều tra sẽ kéo dài 180 ngày, sau đó Bộ trưởng Lutnick sẽ trình báo cáo lên Tổng thống, bao gồm việc có nên áp thuế hay không. Nếu sau đó ông Trump quyết định áp thuế với các khoáng sản của một quốc gia, mức thuế này sẽ cao hơn các mức thuế đối ứng mà ông đã áp dụng trước đó trong tháng.
Nội dung điều tra sẽ bao gồm:
Hiện tại, Mỹ chỉ khai thác và chế biến một lượng nhỏ lithium, chỉ có một mỏ nickel (nhưng không có nhà máy luyện nickel), và không có mỏ cobalt hay nhà máy tinh chế cobalt nào. Mỹ có vài mỏ đồng nhưng chỉ có hai nhà máy luyện, và phần lớn đồng khai thác được phải gửi ra nước ngoài để tinh chế.
Lệnh của ông Trump cũng xem xét toàn bộ chuỗi chế biến, tức là mọi công đoạn sau khi khoáng sản được khai thác, cũng như các sản phẩm trung gian như cực âm pin và tua-bin gió.
Đây là bước tiếp theo trong nỗ lực của ông Trump nhằm khởi động lại ngành khai thác và chế biến khoáng sản tại Mỹ. Tháng trước, ông cũng đã ký lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang lập danh sách những mỏ khoáng sản trong nước có thể nhanh chóng được cấp phép và xác định các vùng đất liên bang có thể dùng để xây dựng nhà máy chế biến khoáng sản.
Tuy nhiên, việc xây dựng mỏ và nhà máy chế biến mới mất nhiều năm, khiến nhiều người lo ngại rằng nếu áp thuế rộng rãi, Mỹ sẽ thiếu nguồn cung trong ngắn hạn.
“Rốt cuộc, Mỹ buộc phải nhập khoáng sản từ Trung Quốc vì không có nguồn thay thế đủ lớn ở nơi khác”, bà Gracelin Baskaran – Giám đốc chương trình an ninh khoáng sản tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – cho biết.
Ảnh: iStock photo
Trung Quốc “đáp trả” bằng cách siết xuất khẩu đất hiếm
Đầu tháng này, Trung Quốc đã áp dụng hạn chế xuất khẩu đối với đất hiếm, như một phản ứng với các chính sách thuế quan của ông Trump. Điều này khiến các quan chức Mỹ càng lo ngại về nguồn cung.
Đất hiếm là nhóm gồm 17 nguyên tố quan trọng, được sử dụng trong quốc phòng, xe điện, năng lượng và thiết bị điện tử. Hiện Mỹ chỉ có một mỏ đất hiếm, trong khi phần lớn khâu tinh chế đều được thực hiện tại Trung Quốc.
Trung Quốc trước đó cũng đã cấm xuất khẩu hoàn toàn ba kim loại khác sang Mỹ, đồng thời áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với nhiều khoáng sản khác.
Trong những năm gần đây, các công ty khai khoáng Trung Quốc đã liên tục đẩy mạnh cung cấp khoáng sản giá rẻ ra thị trường toàn cầu. Điều này dẫn đến lời kêu gọi từ giới công nghiệp và nhà đầu tư tại Mỹ rằng chính phủ cần hỗ trợ mạnh hơn cho các dự án trong nước.
Nhà Trắng cũng cho biết ông Trump đang tập trung bịt các lỗ hổng thuế quan trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi việc chế biến khoáng sản thường liên quan đến nhiều quốc gia.
“Một chính sách hiệu quả phải xem xét toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu, nhằm tạo ra sân chơi công bằng”, bà Abigail Hunter – Giám đốc Trung tâm Chiến lược Khoáng sản tại tổ chức SAFE – phát biểu.