Ảnh: KCNA/Reuters
Triều Tiên lần đầu tiên xác nhận vào thứ Hai rằng nước này đã cử binh sĩ tham chiến cùng Nga trong cuộc chiến ở Ukraine theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, và tuyên bố đã góp phần giúp Nga giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ bị Ukraine chiếm giữ.
Theo hãng thông tấn nhà nước KCNA, đảng cầm quyền Triều Tiên cho biết, chiến thắng trong trận chiến “giải phóng” vùng Kursk của Nga đã thể hiện “mức độ chiến lược cao nhất của tình hữu nghị chiến đấu kiên định” giữa Triều Tiên và Nga.
Tuần trước, Nga tuyên bố đã đẩy lui lực lượng Ukraine khỏi ngôi làng cuối cùng do họ chiếm giữ ở Nga. Tuy nhiên, phía Kyiv bác bỏ thông tin này và cho biết binh sĩ Ukraine vẫn đang hoạt động tại vùng Belgorod, một khu vực khác giáp biên giới Ukraine.
Ủy ban Quân sự Trung ương của đảng Lao động Triều Tiên cho biết, lãnh đạo Kim Jong Un đã quyết định điều quân theo hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện mà ông ký với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm ngoái.
Theo lệnh của Kim Jong Un, các đơn vị quân đội Triều Tiên đã chiến đấu với tinh thần “như thể họ đang bảo vệ chính quê hương mình”, KCNA trích dẫn tuyên bố từ Ủy ban.
“Những người chiến đấu vì công lý đều là anh hùng và là đại diện cho danh dự của tổ quốc”, KCNA dẫn lời ông Kim Jong Un phát biểu.
KCNA cũng nhấn mạnh, Triều Tiên “coi đó là niềm vinh dự khi có liên minh với một cường quốc như Liên bang Nga”.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã yêu cầu chấm dứt việc Triều Tiên cử quân đến Nga và yêu cầu Nga không được hỗ trợ ngược lại cho Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi huấn luyện binh sĩ Triều Tiên.
“Một số quốc gia như Triều Tiên, với hành động tiếp tay cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, cũng phải chịu trách nhiệm”, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters.
Về phía Hàn Quốc, họ cho rằng việc Triều Tiên xác nhận điều quân là một “sự thừa nhận hành vi phạm tội”, và lên án quyết định “vô nhân đạo và vô đạo đức” khi Triều Tiên đưa thanh niên của mình ra chiến trường nhằm duy trì chế độ.
Ảnh: AP
Theo các quan chức Ukraine, Triều Tiên đã gửi tổng cộng khoảng 14.000 binh sĩ, bao gồm 3.000 quân tăng cường để thay thế những binh lính đã thương vong. Do thiếu xe bọc thép và kinh nghiệm chiến tranh bằng máy bay không người lái, binh lính Triều Tiên chịu tổn thất nặng nề nhưng đã nhanh chóng thích nghi.
Lực lượng Đặc nhiệm Ukraine ngày 24/4 cho biết họ đã tiêu diệt một đơn vị gồm 25 binh sĩ Triều Tiên tại Kursk, đồng thời công bố đoạn video cho thấy thi thể một binh sĩ cùng các vật dụng cá nhân, trong đó có một mảnh giấy ghi bằng tiếng Triều Tiên.
Ngoài việc gửi binh lính, Triều Tiên cũng đã cung cấp cho Nga nhiều loại vũ khí, bao gồm đạn pháo và tên lửa đạn đạo, theo các quan chức Hàn Quốc.
Nga cũng lần đầu tiên xác nhận vào thứ Bảy vừa qua rằng binh sĩ Triều Tiên đã chiến đấu cùng quân Nga tại Kursk. Trước đó, cả Nga và Triều Tiên đều chưa từng chính thức xác nhận hay phủ nhận việc điều quân.