Trung Quốc vừa đề xuất tổ chức một cuộc tranh luận tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về tình trạng bất ổn thương mại và cách tổ chức này nên phản ứng trước những căng thẳng gia tăng. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump đã áp thuế bổ sung 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng thuế quan và khiếu nại lên WTO.
Một số đại biểu tại WTO cho rằng đề xuất của Trung Quốc không nhằm tấn công trực tiếp Washington mà thể hiện cam kết của nước này đối với các quy tắc thương mại toàn cầu. Trung Quốc muốn chứng tỏ họ là một thành viên có trách nhiệm trong hệ thống WTO, qua đó giành được sự ủng hộ trong các cuộc đàm phán quốc tế. Một đại biểu nhận định Bắc Kinh đang cố gắng khẳng định vai trò của mình như “một học sinh xuất sắc” trong thương mại toàn cầu.
Ảnh: Reuters
Hội đồng chung WTO dự kiến thảo luận về căng thẳng thương mại trong tuần này với bài phát biểu của phái đoàn Trung Quốc bày tỏ lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ đơn phương mà không nêu đích danh quốc gia nào. Các thành viên khác của WTO cũng sẽ đánh giá tác động của những biện pháp thương mại từ Mỹ. Dù chưa có kết quả ngay lập tức nhưng cuộc tranh luận có thể làm rõ mức độ rủi ro của một cuộc chiến thương mại. Trước đó, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã kêu gọi 166 thành viên kiềm chế các hành động trả đũa để tránh một cuộc khủng hoảng thương mại nghiêm trọng.
WTO được thành lập năm 1995 sau Vòng đàm phán Uruguay kéo dài từ 1986 đến 1994 với mục tiêu tự do hóa thương mại và giảm rào cản thuế quan. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tồn tại từ trước thời ông Trump với các cáo buộc vi phạm quy tắc WTO từ cả hai phía. Trong khi Bắc Kinh cho rằng Mỹ đi ngược lại nguyên tắc tự do thương mại, Mỹ lại lập luận rằng Trung Quốc không nên được hưởng ưu đãi đặc biệt như một quốc gia đang phát triển. Chính quyền Trump cũng từng xem xét rút lui hoặc giảm sự tham gia của Mỹ trong nhiều tổ chức quốc tế, ngoại trừ WTO dù các quan chức Mỹ vẫn bày tỏ hoài nghi về hiệu quả hoạt động của tổ chức này.