Trung Quốc đối mặt khó khăn trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải

By Trần Thanh Tùng

Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới đang gặp thách thức trong việc thực hiện các cam kết giảm phát thải. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS), cường độ carbon – lượng khí thải CO2 trên mỗi đơn vị GDP chỉ giảm 3,4% trong năm 2024. Con số này thấp hơn mức trung bình 3,9% cần thiết để đạt mục tiêu giảm 18% trong giai đoạn 2021-2025. Điều này đặt ra nguy cơ Trung Quốc không thể đạt được cam kết giảm cường độ carbon xuống 65% vào năm 2030 theo Thỏa thuận Paris.

Dữ liệu cho thấy trong ba năm qua, Trung Quốc đã gặp khó khăn trong việc duy trì tốc độ giảm phát thải. Sau mức giảm 3,8% năm 2021, con số này chỉ còn 0,8% năm 2022 và gần như không đổi năm 2023. Để quay lại đúng lộ trình, Trung Quốc cần giảm cường độ carbon 14% trong năm 2024 – một mục tiêu mà các chuyên gia nhận định là “cực kỳ khó đạt được”. Việc nước này tiếp tục phê duyệt các dự án điện than trong giai đoạn 2022-2023 cũng khiến mục tiêu giảm phát thải trở nên xa vời hơn.

Một công nhân kiểm tra các tấm pin mặt trời tại trang trại năng lượng mặt trời ở Đôn Hoàng, Cam Túc. Ảnh: Reuters

Dù là nước phát thải lớn nhất thế giới, Trung Quốc cũng dẫn đầu trong phát triển năng lượng tái tạo và đặt mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2060. Tuy nhiên, sự bất ổn của thị trường năng lượng toàn cầu và nhu cầu điện ngày càng tăng khiến nước này vẫn phụ thuộc vào điện than, chiếm hơn 50% tổng sản lượng điện. Theo một vài báo cáo, tiêu thụ năng lượng toàn quốc tăng 4,3% so với năm trước, trong khi các ngành công nghiệp có mức phát thải cao tiếp tục tăng trưởng.

Dù vậy, một số chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể sớm đạt giai đoạn mà năng lượng tái tạo có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện gia tăng giúp giảm dần sự phụ thuộc vào điện than. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, Trung Quốc cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng năng lượng sạch và cải thiện tính linh hoạt của thị trường năng lượng. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đã bỏ lỡ thời hạn cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Paris, làm dấy lên lo ngại về việc thực hiện các mục tiêu khí hậu dài hạn.