Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với thách thức về tiêu dùng và lĩnh vực bất động sản suy yếu, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định mở rộng chương trình “thu cũ đổi mới” nhằm khuyến khích người dân nâng cấp các thiết bị gia dụng, điện tử và thậm chí là nhà ở.
Ra mắt từ năm 2024, chương trình này ban đầu tập trung vào việc hỗ trợ người tiêu dùng đổi các sản phẩm gia dụng và điện tử như lò vi sóng, máy giặt, máy lạnh, nồi cơm điện, điện thoại thông minh và máy tính bảng có giá dưới 6.000 nhân dân tệ (khoảng 19,4 triệu VND). Người tiêu dùng tham gia sẽ nhận được khoản trợ cấp từ 15% đến 20% giá trị sản phẩm mới khi đổi đồ cũ.
Vào năm 2025, Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch phân bổ thêm 81 tỷ nhân dân tệ (khoảng 262 nghìn tỷ VND) để mở rộng chương trình. Bên cạnh các thiết bị gia dụng và ô tô, chương trình còn mở rộng hỗ trợ cho việc nâng cấp thiết bị công nghiệp, máy móc nông nghiệp và nhà ở.
Đặc biệt, trong tháng 9-2024, Bắc Kinh đã triển khai chương trình “thu cũ đổi mới” đối với nhà ở, nhằm tháo gỡ khó khăn trong thị trường bất động sản đang suy thoái kéo dài.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, chương trình đã ghi nhận 36 triệu người tham gia trong năm 2024. Tổng giá trị mua các thiết bị gia dụng đạt 240 tỷ nhân dân tệ (khoảng 777 nghìn tỷ VND), trong khi doanh số bán ô tô đạt 920 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,98 triệu tỷ VND).
Các quan chức nhận định chương trình không chỉ thúc đẩy doanh số bán hàng mà còn xây dựng lòng tin của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh chi tiêu suy giảm và tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản.
Dù hiệu quả trong ngắn hạn là rõ ràng, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng chương trình này có thể không mang lại sự bền vững.
Bà Huệ Sơn, nhà kinh tế khu vực Trung Quốc tại ngân hàng Goldman Sachs, nhận định: “Chương trình này đang kéo nhu cầu của tương lai về hiện tại. Ví dụ, nếu tôi thường thay máy lạnh mỗi 10 năm, thì chương trình này khiến tôi thay ngay bây giờ. Điều này sẽ tạo ra khoảng trống nhu cầu trong tương lai”.
Ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế tại HSBC, cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh cần triển khai thêm các biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng phát triển lâu dài thay vì chỉ dựa vào những chiến lược mang tính ngắn hạn.
Việc mở rộng chương trình “thu cũ đổi mới” được xem là bước đi chiến lược để đối phó với những thách thức hiện tại. Tuy nhiên, để tạo nên sự phát triển tiêu dùng bền vững, Chính phủ Trung Quốc cần có những chính sách bổ trợ nhằm cải thiện niềm tin thị trường, thúc đẩy việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Chương trình này không chỉ là một biện pháp kinh tế, mà còn thể hiện nỗ lực của Trung Quốc trong việc tìm kiếm giải pháp để phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.