Trung Quốc phê duyệt dự án kênh đào khổng lồ nối Giang Tây với Chiết Giang, thúc đẩy liên kết kinh tế nội địa và ven biển

By Võ Nhung

Ngày 24/5/2025, theo South China Morning Post đưa tin, chính phủ Trung Quốc chính thức đưa dự án kênh đào dài 767 km nối tỉnh Giang Tây giàu tài nguyên với tỉnh ven biển Chiết Giang vào chương trình Nghị sự quốc gia. Dự án này là một phần trong nỗ lực mở rộng mạng lưới giao thông đường thủy nội địa, nhằm giảm chi phí logistics và thúc đẩy phát triển kinh tế giữa các khu vực nội địa và ven biển.

Với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 320 tỷ nhân dân tệ (tương đương 44,4 tỷ USD), đây sẽ là kênh đào nhân tạo đắt đỏ nhất từng được xây dựng tại Trung Quốc, gần gấp ba lần chi phí của cầu Hồng Kông – Chu Hải – Macau. Kênh đào này sẽ kết nối tỉnh Giang Tây – trung tâm sản xuất xe điện đang phát triển với trữ lượng đất hiếm và đồng dồi dào tới các cảng biển của Chiết Giang, một trong những tỉnh giàu có nhất Trung Quốc.

Nguồn ảnh: Scmp

Theo kế hoạch, kênh đào sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường thủy cấp III, cho phép tàu có tải trọng lên tới 1.000 tấn lưu thông. Sau khi hoàn thành, kênh đào dự kiến sẽ vận chuyển khoảng 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, góp phần giảm tải cho hệ thống đường bộ và đường sắt hiện tại.

Chính quyền tỉnh Chiết Giang đã công bố kế hoạch triển khai và thúc đẩy việc xây dựng kênh đào này, với mục tiêu đưa tỉnh trở thành trung tâm vận tải đường thủy nội địa hàng đầu quốc gia vào năm 2035. Dự án cũng nằm trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc nhằm phát triển mạng lưới đường thủy nội địa dài 25.000 km vào năm 2035.

Việc phê duyệt dự án kênh đào Giang Tây – Chiết Giang đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nội địa, giảm chênh lệch phát triển giữa các vùng miền và tăng cường kết nối hạ tầng giao thông quốc gia.