Báo cáo do Trung tâm Quan sát Công nghệ Mới nổi (Emerging Technology Observatory) thuộc Đại học Georgetown (Washington, D.C.) thực hiện, cho thấy rằng từ năm 2018 đến 2023, 9 trong số 10 cơ sở nghiên cứu có số lượng công trình công bố bằng tiếng Anh nhiều nhất về thiết kế và chế tạo chip bán dẫn là của Trung Quốc.
Theo nhật báo South China Morning Post, không chỉ dẫn đầu về số lượng, các trường đại học Trung Quốc còn chiếm ưu thế áp đảo về chất lượng nghiên cứu. Cụ thể, 8 trên 10 đơn vị có bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong lĩnh vực này cũng thuộc về Trung Quốc, tức nằm trong nhóm 10% các bài báo có sức ảnh hưởng học thuật cao nhất mỗi năm. Ngược lại, không có một tổ chức nào của Hoa Kỳ lọt vào top 10 về số bài công bố hoặc số trích dẫn – dù Mỹ vẫn là quốc gia xếp thứ hai thế giới về tổng lượng nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Hai tổ chức phi Trung Quốc duy nhất có mặt trong bảng xếp hạng là Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Việc các trường đại học Trung Quốc ngày càng chiếm ưu thế về nghiên cứu chip là minh chứng cho nỗ lực đầu tư dài hạn của nước này vào giáo dục, đào tạo và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn – vốn là “huyết mạch” trong các ngành công nghiệp điện tử, quốc phòng, và trí tuệ nhân tạo.
Có thể thấy, trong bối cảnh bị hạn chế tiếp cận các công nghệ sản xuất chip tiên tiến do Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt, các viện nghiên cứu và trường đại học Trung Quốc đã tăng tốc mạnh mẽ trong nghiên cứu cơ bản, đặc biệt về thiết kế và vật liệu bán dẫn thế hệ mới.
Giới chuyên gia cho rằng xu thế này có thể làm suy yếu hiệu lực của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ của Mỹ, bởi nếu Trung Quốc đạt được sự tự chủ về công nghệ lõi trong thiết kế chip, các đòn trừng phạt về thiết bị sản xuất sẽ dần mất tác dụng.
Ảnh: South China Morning Post
Việc Trung Quốc thống trị nghiên cứu chip cũng thể hiện một chiến lược dài hơi của Bắc Kinh, khi đầu tư mạnh tay vào giáo dục kỹ thuật, nghiên cứu cơ bản và hợp tác giữa học thuật với công nghiệp. Trong khi đó, Mỹ đang phải đối mặt với sự suy giảm về nhân lực kỹ thuật, sự phân tán trong đầu tư nghiên cứu và những bất ổn trong chính sách công nghệ.
Theo giới quan sát, khi Trung Quốc dần dẫn đầu trong nghiên cứu nền tảng, thì các biện pháp kiểm soát của Mỹ – vốn chủ yếu dựa trên việc hạn chế tiếp cận thiết bị và phần mềm – sẽ ngày càng khó phát huy hiệu quả trong dài hạn. “Trung Quốc không chỉ gia tăng số lượng nghiên cứu, mà còn bắt đầu chuyển hóa những thành tựu này thành công nghệ lõi và năng lực sản xuất thực tế,” một chuyên gia tại SCMP bình luận.
Trong cuộc cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt, việc đầu tư cho nghiên cứu cơ bản không còn là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc nếu các quốc gia muốn duy trì vị thế chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu.