Ngày thứ Bảy, Uganda đã tuyên bố chấm dứt đợt bùng phát dịch Ebola mới nhất của nước này, ba tháng sau khi chính quyền xác nhận các ca nhiễm căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và thường gây tử vong này tại thủ đô Kampala.
Ảnh: Luke Dray/Getty Images
Quốc gia Đông Phi này đã công bố về đợt bùng phát vào ngày 30 tháng 1, sau cái chết của một nam y tá có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Ebola.
“Báo tin vui! Đợt bùng phát dịch bệnh Ebola do virus Sudan hiện tại đã chính thức kết thúc”, Bộ Y tế Uganda thông báo trên nền tảng X (trước đây là Twitter).
Bộ Y tế cho biết thêm, tuyên bố chấm dứt dịch được đưa ra sau 42 ngày “không ghi nhận ca nhiễm mới nào kể từ khi bệnh nhân cuối cùng được xuất viện”.
Trong bài đăng, Bộ không nêu rõ tổng số ca nhiễm được ghi nhận trong đợt bùng phát này.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 3 – lần cuối cùng Bộ cập nhật số liệu – đã có ít nhất 10 ca nhiễm, trong đó 2 ca tử vong.
Ebola thường xuyên bùng phát tại Uganda, do nước này có nhiều khu rừng nhiệt đới – môi trường tự nhiên lý tưởng cho virus tồn tại.
Đợt bùng phát lần này do chủng virus Ebola Sudan gây ra – một chủng virus hiện chưa có vaccine được phê duyệt. Đây là lần thứ 9 Uganda đối mặt với dịch Ebola, kể từ khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào năm 2000.
Uganda cũng có biên giới với Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia từng trải qua hơn chục đợt bùng phát Ebola, trong đó có đợt bùng phát từ năm 2018 đến 2020 khiến gần 2.300 người thiệt mạng.
Đợt dịch lần này khởi phát tại thủ đô Kampala, thành phố đông đúc với khoảng 4 triệu dân, đồng thời là nút giao thông trọng yếu nối tới Congo, Kenya, Rwanda và Nam Sudan.
Mặc dù dịch bệnh bùng phát nhiều lần, các chuyên gia y tế cho biết Uganda đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đối phó với Ebola, nhờ vậy có thể kiểm soát các đợt dịch khá nhanh chóng.
Ebola lây truyền qua tiếp xúc với dịch cơ thể hoặc mô của người nhiễm bệnh. Các triệu chứng bao gồm đau đầu, nôn ra máu, đau cơ và chảy máu.